Chủ nghĩa độc tôn dị tính - Phần 3: “Đặc quyền của đa số”

Bài viết đã được đăng trên trang Diễn Ngôn:

Một người phụ nữ đứng ở ngoài nơi tổ chức kết hôn của người đồng tính và
cầm tấm bảng "Chúc mừng, và xin lỗi vì đã để mọi người chờ đợi điều này quá lâu"

Chối bỏ, tạo sự thiên vị, phân biệt đối xử với những thiểu số tính dục khác.

Biểu hiện 1: Tạo ra những đặc quyền dị tính.

Mở đường cho việc tạo thiên vị, phân biệt đối xử với người đồng tính nói riêng và những thiểu số tính dục nói chung, là việc xã hội xác lập ra những đặc quyền dị tính. Đặc quyền dị tính nói một cách ngắn gọn là những quyền, những việc mà người dị tính có thể thoải mái thực hiện mà không lo sợ sẽ bị kỳ thị hay phân biệt đối xử. Một số ví dụ thực tế của đặc quyền dị tính:
  • Thoải mái thể hiện tình cảm, ở nơi công cộng, hoặc công khai mối quan hệ với gia đình.
  • Thoải mái nói về người yêu, dự định hôn nhân khi đi xin việc mà không lo sẽ bị kỳ thị.
  • Được đánh giá việc học tập, làm việc bằng năng lực chứ không tập trung vào tính dục.
  • Hay thậm chí, “ủng hộ cho người đồng tính” cũng là một đặc quyền của người dị tính.
Cho tới những đặc quyền được ghi nhận rõ ràng hơn trong xã hội:
  • Được thấy những hình mẫu cặp đôi trong nhà trường, tiểu thuyết, phim ảnh.
  • Được phổ biến những kiến thức về đồng tính mà không bị xem là đang “tuyên truyền.”
  • Được kết hôn với người mà bạn yêu.
  • Nuôi nấng, dạy dỗ con cái mà không bị người ngoài đánh giá về khả năng làm cha mẹ của bạn.
  • vân vân.
Một câu hỏi đặt ra, kết hôn, là quyền hay là đặc quyền. Vì nếu nó là quyền thì tất cả mọi người cần phải có, còn nếu là đặc quyền thì chỉ một nhóm người được có. Câu trả lời có thể là “quyền có điều kiện”, như vậy thì cần phải xem cái điều kiện đó hợp lý tới mức nào, nó có xâm phạm gì thật cụ thể tới lợi ích của người khác, lợi ích của cộng đồng hay không.

Biểu hiện 2: Tạo ra những thiết chế để bảo hộ cho những đặc quyền dị tính

Từ những đặc quyền dị tính này, xã hội tiến thêm một bước bằng việc bảo hộ cho những đặc quyền đó bằng pháp luật, bằng những thiết chế mang tên “đạo đức”, “văn hóa” và “truyền thống”. Trong đó, pháp luật là công cụ trực tiếp và có tính bắt buộc nhất nhằm tôn vinh chủ nghĩa độc tôn dị tính; hay nói cách khác, để phân biệt đối xử với người đồng tính.

Những giá trị thuộc về “đạo đức”, “văn hóa” hay “truyền thống” thường rất mơ hồ để xác định ranh giới giữa thế nào là “đạo đức” hay “phi đạo đức”, “truyền thống” hay “ngược với truyền thống.” Và những giá trị này cũng thay đổi rất nhanh chóng chứ không hề đứng yên như nhiều người nghĩ. Có một câu nói, khi bạn viện dẫn cho lý do “truyền thống”, có nghĩa là bạn chẳng còn lý do nào khác nữa.

Tuy nhiên có tính chất mạnh mẽ hơn, là pháp luật. Bằng pháp luật, xã hội nhấn mạnh vào việc định nghĩa thế nào là chuẩn mực xử sự, hành vi của con người.

Pháp luật bắt đầu can thiệp vào hôn nhân, định nghĩa hôn nhân là giữa một nam và một nữ. Ở một số nơi, người đồng tính bị cấm kết hôn, bị cấm hiến máu, bị cấm nhận con nuôi, bị cấm gia nhập quân đội, thậm chí bị cấm công khai mình là người đồng tính.

Người đồng tính không được nằm trong phạm vi của các luật chống kỳ thị và phân biệt đối xử. Tệ hơn nữa, một số quốc gia (chủ yếu là Hồi giáo và châu Phi) còn hình sự hóa đồng tính. Một số bang của Mỹ hoặc của Úc còn duy trì cái gọi là “phòng vệ đồng tính chính đáng”, có nghĩa là bạn có quyền “hoảng loạn và giết chết người đồng tính nếu họ có tình ý với bạn”, và điều đó được gọi là “phòng vệ đồng tính chính đáng.”

Pháp luật, vốn được xem là chuẩn mực xử sự trong xã hội, ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhận thức của mọi người. Và khi chủ nghĩa độc tôn dị tính càng được pháp luật bảo hộ, chính người dân sẽ trở thành nạn nhân của nó. Định kiến càng được khắc sâu, phân biệt đối xử diễn ra càng tinh vi.

Không có gì là nên “độc tôn”

Aristotle, triết gia Hy Lạp cổ đại, từng nói: “Hình thái tồi tệ nhất của sự bất công là biến những thứ bất bình đẳng thành những thứ bình đẳng.” Khi người ta xem sự bất bình đẳng giữa người đồng tính và dị tính là những điều bình thường, thậm chí là cần thiết cho xã hội, thì nghĩa là sự bất công vẫn còn được được cổ vũ, và định kiến, kỳ thị vẫn còn sẽ lan tràn khắp nơi.

Chủ nghĩa độc tôn dị tính, đứng từ góc độ nào đó chỉ là một tên gọi để góp nhặt lại những bất công đang diễn ra hàng ngày. Điều mà chúng ta cần thay đổi, không phải là một hệ thống gì đó quá to lớn hay xa vời, mà là những gì rất gần gũi hàng ngày: cách chúng ta gọi tên người đồng tính, cách chúng ta nghĩ về họ với tư cách là một con người, hay những gì chúng ta lên tiếng để nhắc nhớ mọi người về việc mọi người đều có phẩm giá đáng được tôn trọng như nhau, và được hưởng những quyền giống nhau.

Phần 1 | Phần 2 | Phần 3

Comments