Hai bạn nữ và câu chuyện bị phản đối


Các sự kiện liên quan đến cộng đồng người đồng tính, song tính hay chuyển giới (gọi tắt là “GLBT”) nói chung và người đồng tính nói riêng ở Việt Nam thường xoay quanh các vụ án hình sự, một bộ phim hoặc chuyện cá nhân của người nổi tiếng. Điểm tương đồng giữa chúng là đều mang phần nhiều màu sắc tiêu cực. Trong những lúc như vậy, tiếng nói của cộng đồng GLBT thường chỉ như “chống đỡ” lại phản đối của mọi người. Tình thế đã ít nhất một lần thay đổi trong trường hợp đoạn phim đám cưới của hai bạn nữ tại Hà Nội được chia sẻ trên mang vừa qua. (gọi tắt là “Sự kiện”) Ở đó ta thấy được nhiều hiệu ứng tốt đối với cộng đồng GLBT.

1. Tác động tích cực đầu tiên của Sự kiện nói trên tới cộng đồng GLBT theo tôi chính là sự dân chủ hóa thông tin.

Thứ nhất là dân chủ trong việc tiếp nhận thông tin. Không ít người đã từng biết, từng nghe về những đám cưới bí mật của người đồng tính. Nhưng gần như là lần đầu tiên, thông tin được phổ biến một cách trực tiếp và chân thực như vậy. Cách mà cộng đồng người đồng tính và toàn xã hội tiếp nhận và phản hồi dựa trên những thông tin mà bản thân họ trực tiếp thu nhận được. Chắc chắn đây không phải là đám cưới đồng tính đầu tiên được tổ chức, nhưng là đám cưới đầu tiên được công khai và phổ biến như vậy.

Kế đến là dân chủ trong việc đưa ra ý kiến. Sự kiện không truyền đi ở dạng truyền thống như truyền hình hay báo chí, nhưng có thể thấy sức mạnh của những mạng xã hội như Youtube hay Facebook là cực kỳ lớn. Từ những người trong cuộc như đôi bạn trẻ trong đoạn phim, những người bạn của họ, cho đến tất cả những người đã xem đoạn phim đều có cơ hội để đưa ra ý kiến của mình. Xu hướng chia sẻ trực tuyến khiến việc truyền đi thông tin dễ dàng hơn bao giờ hết. Hàng ngàn người đã chúc mừng cho hai bạn trẻ, và nhiều người hơn thế nữa đã lắng nghe những gì họ nói. Về phía xã hội, mỗi người có quyền đánh giá lại những hiểu biết của mình, có quyền trao đổi, chia sẻ với những người cùng quan điểm và tranh luận với những quan điểm trái chiều.

Đứng ở góc độ của người tìm hiểu, nghiên cứu trong lĩnh vực GLBT thì điều này là rất hữu dụng. Sự kiện có thể được coi như một bản khảo sát và phản hồi của mọi người là những đáp án. Tuy không phải là một cuộc khảo sát chính thức, nhưng việc thu thập và tổng kết lại ý kiến phản hồi trên các trang tin tức, diễn đàn, mạng xã hội cũng có những ý nghĩa riêng của nó trong việc đánh giá mức độ hiểu biết và thái độ của xã hội đối với cộng đồng GLBT.                   

2. Tác động khác cũng rất lớn khác chính là sự lan truyền, không phải thông tin, mà là lan truyền niềm tin và thông điệp.


Khi một người đồng tính đang xem đoạn phim về Sự kiện nói trên, họ biết không chỉ có họ, mà những người đồng tính khác, và bạn bè, người thân, đồng nghiệp hay thậm chí cả bố mẹ, anh chị em của họ có thể cũng đang xem đoạn phim này. Lan truyền thông điệp ở đây thể hiện ở chỗ người đồng tính có thể dùng Sự kiện như một cách thay lời muốn nói của mình đến với mọi người. Họ có thể chia sẻ thông tin này để người khác cùng xem và thăm dò phản ứng của mọi người, từ đó có hiểu biết về thái độ của những người xung quanh để lựa chọn một cách ứng xử phù hợp với mục đích của họ. Hơn cả, bản thân những lời nói trong đoạn phim về Sự kiện cũng chính là những thông điệp ngắn gọn, súc tích tới mọi người. Trong đó, tôi đặc biệt yêu thích câu nói của bạn nữ được phỏng vấn: “Nếu yêu thì lấy chứ!” bởi nó rất tự nhiên, lại được nói từ một người dị tính, và đề cập đến những quyền cơ bản của con người, quyền được yêu và quyền được kết hôn với người mình yêu.

Lan truyền niềm tin, mặt khác, tác động đến bên trong mỗi người. Những người đồng tính nhìn vào đám cưới nói trên, sẽ nhận ra rằng với những người họ, kết hôn là một điều hoàn toàn có thể và có thực. Dù không thành văn mà chỉ là de facto thì nó vẫn trở thành động lực để mỗi người tự vạch ra kế hoạch tương lai cho cá nhân của mình. Đó là niềm tin rằng “mọi việc đều có thể giải quyết được” và hiện thực chính là những gì mình tạo dựng chứ không phải do ai khác mang lại.

3. Một tác động tích cực khác, mà nhiều người có thể xem là tiêu cực, chính là đám cưới của đôi bạn trẻ bị nhiều người phê phán, chê cười và phản đối.

Năm 1970 ghi dấu trong tiến trình lịch sử hôn nhân đồng giới của thế giới bởi đơn xin kết hôn giữa Jack Baker và James Michael McConnell, hai công dân nam Hoa Kỳ. Và đơn xin kết hôn ấy được xem như là một cột mốc, không phải bởi nó được chấp nhận, mà vì nó đã bị từ chối. Hai mươi bốn năm kể từ ngày đôi bạn Jack và James bị từ chối, lần đầu tiên hôn nhân đồng giới chính thức được hợp pháp hóa và thực thi trên phạm vi một tiểu bang. Thành quả ấy vừa tự nhiên mà lại không tự nhiên. Nó tự nhiên như thể mọi điều đi từ thấp đến cao, sơ khai tới hoàn chỉnh, từ sai đến đúng, lạc hậu tới tiến bộ. Và nó không tự nhiên đạt được, nếu không có hai con người dũng cảm như hai sinh viên Jack và James, thì nước Mỹ đã không có cơ hội để cấm đoán rồi lại cởi mở dần như vậy; nếu không có những điều luật cấm cản, những cuộc đàn áp, những phản đối dữ dội của một số nhóm người, hẳn cộng đồng GLBT Hoa Kỳ đã không có động lực để khởi động những tranh đấu giành lại bình đẳng và quyền lợi cho chính mình. 

Hai bạn nữ Linh và Minh có thể chưa thành công trong việc thuyết phục gia đình, bạn bè và mọi người về quyết định của mình, thậm chí vấp phải những tranh cãi dữ dội cả từ những người trong và ngoài cộng đồng GLBT. Nhưng như tôi vẫn hay suy nghĩ, điều tiếng và sự kì thị thường hay trở thành động lực trong việc tu dưỡng tính cách, rèn luyện ý chí và phát triển năng lực của người đồng tính. Vì vậy, góp một tiếng nói, đã là thêm rất nhiều động lực cho tương lai.

Comments