Xung đột gay gắt khi bố mẹ phát hiện mình là LGBT, bỏ nhà đi hay không?



Các bạn thân mến. Trong những năm làm việc của mình, ngoài công việc chính là các hoạt động dự án, thì điều mang lại cho mình nhiều trải nghiệm, cảm xúc, hạnh phúc hay day dứt nhất là những trường hợp cá nhân tìm đến với mình để chia sẻ về những xung đột, căng thẳng với gia đình khi bị phát hiện/công khai là LGBT.
Với vai trò người tư vấn, chia sẻ, mình luôn cố gắng thực hiện đúng vai trò là chăm sóc cái tôi tinh thần khỏe mạnh để họ tự quyết định, chứ không đưa ra lời khuyên hay phán xét. Đỉnh điểm của xung đột thường là bỏ nhà ra đi. Nhiều trường hợp cũng khiến mình rất băn khoăn với việc phân tích tình huống thế nào để người đối diện không hiểu mình đang khuyến khích hay ngăn cản các bạn thực hiện quyết định đó.
Mình từng đưa bạn nữ ở một tỉnh phía Bắc tới nhà tạm lánh ở Hà Nội, sau đó bạn chạy trốn vào miền Nam cùng người yêu. Bẵng đi chừng hai năm bạn nhắn tin lần đó bị gia đình bắt về, đưa sang nước ngoài, tuyệt vọng và muốn chạy trốn về Việt Nam lần nữa. Một bạn khác bị gia đình đánh đập, bắt nhốt, tin nhắn cuối cùng bạn ấy gửi cho mình là em đã thoát khỏi nhà và chuẩn bị đi tàu vào Sài Gòn. Nhiều người khác bị ép dùng thuốc an thần, các nghi lễ tâm linh trừ tà, sự kìm kẹp đến nghẹt thở từ gia đình, thậm chí bạo hành, đánh đập, đe dọa những người dám đứng ra ủng hộ con họ.
Tin vui là, hầu hết trường hợp dù nặng nề nhất, đều thường tìm được một giải pháp về dài hạn, và cuộc sống trở về bình thường, dù những tổn thương về tâm lý cần nhiều thời gian hơn nữa để lành lặn. Các trường hợp còn lại mình mất liên lạc nên không biết kết quả thế nào.
Được sự đồng ý của các nhân vật, mình xin chia sẻ lại trao đổi với ba trường hợp từng bỏ nhà đi vì bị phát hiện/công khai là LGBT. Một lần nữa đây không phải là gợi ý cho những bạn đang hay sắp phải đối mặt với gia đình (đi hay ở), mà là một góc nhìn đa chiều để giúp cho việc tự quyết định của bạn. Rất cảm ơn các nhân vật, Huy tin câu chuyện của các bạn sẽ giúp ích cho rất nhiều người.
==
1. M.A. là một trans guy, sống ở TP.HCM. Từ lúc rất trẻ, vì cảm thấy bức bối với gia đình, trường học, M.A. đã bỏ nhà đi và tự kiếm sống. Mình gặp M.A. khi em đang đối đầu với những đe dọa, áp lực từ phía gia đình của người yêu lúc đó. M.A. muốn thuyết phục người yêu bỏ gia đình để cùng chạy trốn, nhưng người yêu em đã chọn về phía gia đình. Em tuyệt vọng, liên hệ lại với mẹ của mình. Không khuyên răn được con mình với những ý định tự tử vì tình yêu, bà đã đi thông báo với tất cả mọi người rằng em đã chết. Lúc nghe được tin đó mình sững sờ. Vài tuần sau nhận được điện thoại của em giải thích mọi chuyện, cảm giác như gặp người trở về từ cõi chết. Tiếp xúc cũng lâu, mình thấy em ngày một trở nên chín chắn hơn. Hiện em vẫn sống độc lập với gia đình.
2. Huy là một bạn đồng tính nam và khiếm thính bẩm sinh, đang học đại học ở Hà Nội. Từng bị gia đình nhiều lần nghi ngờ, dò hỏi từ cấp 2, gần đây khi phát hiện qua điện thoại, bố mẹ rất sốc khi em thừa nhận mình là người đồng tính. Bố mẹ không tin mà nghĩ rằng em bị lôi kéo dụ dỗ. Cố gắng giải thích rất vất vả vì phát âm khó, nhưng bố mẹ cũng chỉ gạt đi. Mẹ giận quát đuổi em ra khỏi nhà, nhưng bố thì bắt ở lại, mặc dù cũng không ủng hộ. Trong lúc căng thẳng, em bỏ ra khỏi nhà giữa đêm, không mảnh giấy tờ, tiền bạc, quên cả máy nghe. Mình gặp em tại văn phòng cùng với bạn của em. Đó là một trong những cuộc tư vấn đặc biệt nhất, vì hai bên chỉ lặng lẽ viết lên giấy cho nhau đọc. Ý định của em rất thiên về hướng bỏ nhà, đi làm thêm kiếm tiền tiếp tục đi học, cố gắng tốt nghiệp để tự lập. Sau 3 ngày ở nhà của người cô, em quay trở về nhà, với sự hỗ trợ từ họ hàng, gia đình chấp nhận bớt căng thẳng hơn.
3. Tuấn là một bạn đồng tính nam, sinh viên ở Hà Nội. Gia đình phát hiện những thông tin LGBT mà em đăng tải trên Facebook, lập tức kiểm soát toàn bộ cuộc sống của em: tin nhắn, lịch học, gặp ai, làm gì. Một hôm, Tuấn mệt mỏi không trả lời tin nhắn của gia đình, đến tối về bố mẹ rất tức giận và đuổi em ra khỏi nhà. Em rời khỏi nhà, vừa làm vừa học khoảng vài tháng, thỉnh thoảng liên lạc với gia đình. Sau vài tháng, hiện giờ em đã trở lại nhà, bố mẹ bớt căng thẳng và kiểm soát hơn trước nhưng cũng tránh đề cập quá nhiều lại chuyện cũ.
==
Sáu Sắc: Theo các em khi phải chịu sức ép quá lớn từ gia đình, bỏ nhà ra đi có phải là giải pháp tốt không?
Tuấn: Với trường hợp của em, em đã gặp quá nhiều sức ép kể từ khi còn nhỏ đến khi em đi học, và thời điểm em come out chỉ khiến cho sức ép ấy bùng lên mạnh hơn. Em muốn được là chính mình, chứng minh rằng gia đình đã nghĩ sai về em. Tất nhiên, với trường hợp của em thì trong hoàn cảnh ấy đó là giải pháp tốt nhất với em, nhưng với các bạn khác thì em không nghĩ rằng đó là cách tốt nhất cho các bạn.
Huy: Ở lại hay bỏ nhà đi thì theo em thì tuỳ hoàn cảnh nó ra sao, còn tùy thuộc vào tính cách của bố mẹ nữa nên em cũng chưa phân tích được. Bị sức ép quá lớn từ gia đình thì việc bỏ nhà đi cũng có thể là giải pháp tốt nhưng cũng có thể là giải pháp không tốt nếu như mình còn đang dang dở học tập thậm chí chưa có công việc cho nên mình phải giấu phận thận, đành phải chấp nhận sự thật như thế trừ phi mình có cá tính rất mạnh mẽ thì ít ra còn làm được, dám nói dám làm.
Khi em trở về gia đình, điều đầu tiên là bố mẹ rất sợ mất em, sợ em ra đi trong cái khổ đau, sợ em sau này sẽ mãi cô độc không ai yêu thương, và sợ để con của mình đã đau khổ mà mình không hề chịu trách nhiệm. Bố mẹ nào cũng đều thương con cả, chỉ có điều bố mẹ chỉ hơi thành kiến, trải nghiệm cuộc sống không nhiều và tiếp thu kiến thức ngoài đời mà thôi nên là trong những lúc không tỉnh táo, sáng suốt mình cần chia sẻ các kiến thức bên ngoài cho bố mẹ hiểu dần.
M.A.: Dạng của em không phải bị đuổi khỏi nhà, mà là em bức bối tự bỏ đi. Nhưng em thấy cách giải quyết nan giải quá. Đa số là bỏ đi tay trắng, lâm vào cảnh sống tạm bợ, việc làm không ổn định. Bạn LGBT nào khi come out hay bị phát hiện mà chẳng trải qua sức ép từ gia đình. Riêng em không cổ xúy việc bỏ nhà đi là 1 giải pháp tốt đâu. Còn tùy vào tính cách mỗi bạn. Có bạn hiền lành yếu đuối chọn ở lại và cam chịu, hoặc những người tự nhận là không muốn cam chịu và bướng như em thì lại bỏ nhà đi. Giữa việc đi hay ở thật ra khó nói, tùy mỗi hoàn cảnh.
Với em trải qua rồi thì em nghĩ bỏ nhà đi có mặt tốt 50%, và mặt xấu cũng 50%. Tốt vì bản thân sẽ được/bị xã hội dạy dỗ, mà xã hội dạy bao giờ cũng thấm hơn gia đình. Biết tự lập và chăm lo cho bản thân. 50% xấu còn lại xã hội quá nhiều cám dỗ, không ít lần em nhận được đề nghị rủ nhau buôn ma túy kiếm tiền, nếu là người dễ sa ngã thì biến thành phần tử xấu ngay. Bí quá thì một số bạn lại phải đi bán dâm, nguy hiểm tới sức khỏe. Bỏ nhà đi đồng nghĩa mất đi hậu phương vững chắc là gia đình. Đó là mất mát rất nhiều.
Cố gắng ở bên hay bỏ nhà đi đều không là giải pháp tốt. Nếu cố gắng ở bên mà bị áp lực quá, không chịu được, và nếu trên 20 rồi thì cứ đi thôi. Ở đây em nói 20, không phải 18 theo như tuổi trưởng thành quy định ở nước mình, vì em thấy 18 vẫn suy nghĩ không đâu ra đâu cả. Đấy là khi ở độ tuổi ấy em như thế. Còn không biết các bạn tuổi 18 có khác không hay chín chắn hơn không?
Sáu Sắc: Nếu bây giờ nghĩ lại, em có muốn thay đổi quyết định của mình không?
Tuấn: Nếu thay đổi chắc em sẽ đợi một thời gian nữa em mới come out với toàn bộ gia đình. Nhưng nhiều lúc nghĩ lại, em thật sự vui khi là chính mình, không phải nghe ai sắp đặt, được nói lên chính tiếng nói của mình và được phép yêu cầu người khác tôn trọng nó.
Huy: Lúc ấy em đã cảm thấy vô cùng tiếc nuối khi nghĩ đến bỏ dang dở học đại học. Tương lai rất quan trọng, sự nghiệp cũng quan trọng, nhưng chính bản thân cũng quan trọng. Có thể không can tâm, có thể đau khổ, có thể bị áp lực, nhưng hãy tự hỏi, để vì bản thân, vì hạnh phúc bản thân, vì mong muốn bản thân, liệu sự học hành có thực sự đáng để bỏ đi hay không?
M.A.: Bây giờ nghĩ lại hoặc giả như được quyết định lại, em nghĩ em sẽ vẫn có suy nghĩ riêng của em, vẫn không cam chịu sức ép từ gia đình, nhưng là không cam chịu theo cách khác. Em sẽ ở lại và cố gắng giải thích cho gia đình hiểu. Hoặc không được nữa thì ở lại đến khi đủ cứng cáp để ra riêng. Nếu có lúc em trở về em nghĩ ruột thịt vẫn là ruột thịt, miệng không nhận nhưng lòng ai cũng buồn. Với em thì em chưa hình dung ra được khi em trở về sẽ diễn ra thế nào nữa. Nhưng theo như tính cách của mẹ em, về thì có thể bị đuổi đi, hoặc có thể không đuổi đi nhưng để được nhìn nhận như mình muốn thì rất khó.
Sáu Sắc: Theo em cái khó nhất cần vượt qua ngay thời điểm áp lực nhất với gia đình là gì? Bây giờ khi nghĩ lại, có 2 thứ: cái gì lúc đó em nghĩ rất quan trọng, nhưng giờ nghĩ lại thì lại thấy không quan trọng, và cái gì lúc đó em nghĩ không quan trọng nhưng giờ nghĩ lại rất quan trọng?
Tuấn: Khó nhất cần vượt qua ngay thời điểm áp lực nhất chính là áp lực và nỗi sợ mình từ tạo ra trong mình. Lúc đó, em thấy quan trọng nhất chính là gia đình của mình, phải cố gắng vun đắp cho nó. Nhưng rồi càng bị chèn ép nhiều, em nhận ra nếu chính gia đình mình không tôn trọng mình, và nhân phẩm, phẩm giá mình càng bị xâm phạm bởi chính gia đình thì điều đó mới thật sự cần để ý. Đó mới chính là thứ quan trọng đối với em: hạnh phúc và phẩm giá của chính mỗi con người.
M.A.: Mọi người chắc đều đã xem qua Danish Girl. Với mẹ em cũng vậy, mẹ em như người vợ mong Lili trả lại người chồng như cũ cho mình. Cuối cùng người vợ cũng chấp nhận Lili, dù em nghĩ nội tâm cũng không hẳn hoàn toàn. Còn mẹ em thì nếu người nam trong em không chết đi để trả lại đứa con gái cho bà, bà sẽ xem như cả 2 đều chết.
Đối diện với áp lực cũng tùy vào tâm tính mỗi người. Có người kiểu im lặng đêm về thổn thức. Hay kiểu gân cổ chống đối ăn bạt tai như em. Sức chịu đựng mỗi người mỗi khác. Nhìn chung thì nếu bị áp lực tốt nhất nên giữ bình tĩnh, đừng vì thế mà bị kích động. Em nghĩ đối diện với áp lực không có gì tốt hơn là bình tĩnh, vì đa số các bạn khi bị áp lực đều mất bình tĩnh dẫn đến suy nghĩ không thông.
Sáu Sắc: Nếu có một bạn cũng rơi vào trường hợp như em thì em sẽ nói gì với bạn?
Huy: Em cũng không biết phải khuyên như thế nào vì đó là sự lựa chọn của mỗi người, em chỉ có thể góp thêm trải nghiệm ở khía cạnh khác thôi.
M.A.: Thật sự khuyến cáo dưới 20 tuổi không nên dùng biện pháp bỏ nhà đi.
Tuấn: Em tạm thời chỉ khuyên là các bạn đừng nghe những gì xã hội áp đặt định kiến, rằng nếu như mình đứng lên vì hạnh phúc của mình là ích kỉ, trái với tự nhiên… Hạnh phúc của bản thân mới là thứ quan trọng. Và chứng minh cho người khác thấy hạnh phúc của mình cũng xứng đáng như những hạnh phúc của họ.
==
Lời kết: Như đã nói từ đầu, bài viết này ngõ hầu để giúp các bạn trẻ có thêm thông tin và suy ngẫm từ những người từng trải, từ đó xác định tâm thế để đón nhận những thử thách mà mình có thể sẽ trải qua, không quá ngạc nhiên hay thất vọng với những gì xảy đến, suy xét tất cả các khả năng và lập kế hoạch cho tương lai.
Có người ra đi và thành công, hạnh phúc; có người không; có người lăn lộn trưởng thành với sự đánh đổi; có người ở lại và may mắn trong việc thuyết phục bố mẹ; có người vẫn phải chịu đựng thỏa hiệp dai dẳng. Không có giải pháp hoàn hảo, nhưng bạn sẽ là người hiểu rõ và quyết định cuối cùng. Chúc các bạn vững lòng bước tiếp.

Comments

Post a Comment

Ai cũng có thể comment, dùng tài khoản Wordpress, Typepad, AIM... hay thậm chí chỉ cần để lại Name/URL của bạn. Nếu không thì comment ẩn danh (Anonymous) cũng được chào đón! ツ

Để nhận được thư báo khi có comment phản hồi, hãy nhấn Subscribe by email ở dưới khung comment. Để dừng việc hồi báo này, nhấn Unsubscribe ở cùng vị trí.