Gia đình phát hiện mình là LGBT, đâu là giải pháp?

Đọc thêm loạt bài về Người LGBT và Gia đình.

Đây là câu hỏi muôn thuở. Tới hôm nay mới đặt bút viết tất cả những quan sát và trải nghiệm của mình.

Cùng với sự phát triển của xu hướng ủng hộ quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới (“LGBT”), sự hiện diện của cộng đồng LGBT ngày càng rõ nét, nhưng điều này cũng mang tới một rủi ro lớn: công khai một cách bị động. Có một đặc điểm mà Việt Nam trái ngược so với nhiều nước phương Tây, đó là gia đình, bố mẹ thường là người cuối cùng các bạn LGBT sẽ come-out. Nếu đặt câu hỏi cho cả hai trường hợp (tại sao công khai với gia đình đầu tiên? tại sao công khai với gia đình cuối cùng), có lẽ chúng ta sẽ nhận được cùng một câu trả lời: Bởi vì gia đình rất quan trọng.
Trong sự khác biệt hóa ra cũng có những giá trị tương đồng. Cũng như khi đặt câu hỏi tại sao bố mẹ ở phương Tây dễ chấp nhận con mình là LGBT hơn, và tại sao bố mẹ Việt Nam lại rất khó chấp nhận điều đó, chúng ta một lần nữa đi về lý do: Vì bố mẹ rất yêu thương con cái.
Với cùng một nguyên do, dẫn tới hai hệ quả khác nhau, lẽ dĩ nhiên, chúng ta cũng cần giải quyết vấn đề công khai với gia đình của người LGBT một cách rất “Việt Nam.”

Những tình huống phổ biến nhất khiến bố mẹ phát hiện:

  • Con cái chủ động nói với bố mẹ khi bố mẹ chưa hoặc có ít hoài nghi.
  • Quan sát, hoài nghi, đặt câu hỏi và con thừa nhận.
  • Quan sát, hoài nghi, con không thừa nhận cho tới khi có bằng chứng không thể chối cãi.
  • Giống như trên, nhưng tạm phân ra 1 dạng: Phát hiện về mối quan hệ, về việc con mình yêu người cùng giới, từ đó biết con mình là người đồng tính, song tính, chuyển giới.
Phản ứng của bố mẹ: cái này nhiều sách vở quá rồi nên không nhắc lại, từ đau khổ vật vã dằn vặt khuyên răn áp lực đe dọa đánh đập bạo lực... đủ cả.
Như mình vẫn hay nói: Những ngày tháng đẹp luôn qua nhanh, những ngày tồi tệ thì luôn chậm rãi, nên hãy luôn chuẩn bị cho mình một tình huống, kịch bản nếu gia đình phát hiện thì sẽ ứng xử ra sao. Nhất là trong thời đại này, với công nghệ và internet, việc giấu diếm bản thân nói thật là không thể, chỉ là chuyện sớm muộn. Vì vậy mà mình luôn khuyên rằng hãy chuẩn bị sẵn sàng từ rất sớm.

Điểm mấu chốt khiến việc công khai ở gia đình Việt Nam vô cùng khó khăn vì:

- Bố mẹ có cách thể hiện tình yêu rất theo khuôn mẫu: hình mẫu về gia đình chuẩn mực, thể diện với người ngoài, cũng như ám ảnh về quyền lực lên con cái khiến giai đoạn chối bỏ (denial) của họ kéo dài dai dẳng. Bố mẹ thường mong muốn con cái phục tùng vô điều kiện những gì họ cho là tốt nhất, hơn là mong muốn được thuyết phục bởi con cái với những lựa chọn của nó.
- Mô hình và thiết chế xã hội khiến thanh niên Việt Nam phụ thuộc vào bố mẹ rất lâu, có thể tới 24-25 tuổi mới độc lập hoàn toàn về kinh tế (chưa kể sự toàn trị về tinh thần có thể cả đời). Mà người LGBT bộc lộ từ khoảng 14-15 tuổi, vậy là trung bình, khoảng chơi vơi 10 năm đó trở thành một thời gian nhạy cảm, yếu ớt nhất của người LGBT: phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, không có khả năng thương thuyết hay thỏa hiệp.
Những trường hợp mình biết và khó khăn nhất, đều rơi vào giai đoạn độ tuổi này. Bài viết này dành đặc biệt cho các bạn trẻ dưới 25 tuổi. Giả sử bạn rơi vào trường hợp này, sẽ phải chọn lựa giải pháp nào: chọn gia đình và mất tự do, hay chọn tự do và mất gia đình.

Những kịch bản của gia đình khi công khai

Như mình đã từng nói, thật vô lý khi người ta không thể chọn lựa thứ mà đáng lẽ mỗi người đều xứng đáng có, mất gia đình hay mất tự do, phẩm giá con người đều bị tổn thương sâu sắc. Nhưng quay lại thực tế, giải pháp, chiến lược sẽ là gì?
Mình không đưa ra lời khuyên, nhưng đây là những phản ứng phổ biến nhất mình từng thấy:
- Bản thân gia đình chủ động chấp nhận nhanh chóng. Đây là những bố mẹ tỉnh táo nhận ra an toàn, hạnh phúc, sức khỏe tâm trí của con mình là điều quan trọng nhất, không muốn làm tổn thương con, còn lại cái gì cũng có thể xếp lại sau.
- Thỏa hiệp với gia đình, người LGBT chấp nhận những điều kiện gia đình đưa ra, tự “kiểm duyệt” và thu mình lại. Thường là những trường hợp mà con cái hiểu về khuôn mẫu hành động (pattern) của bố mẹ, là dạng không chấp nhận đối thoại. Cũng khó nói những bố mẹ này không yêu con cái, nhưng cái tôi quá lớn, thường nếu nhìn vào quá khứ của họ, mình thấy một điểm chung: họ lớn lên, trưởng thành và ổn định cuộc sống nhờ vào việc biết tuân thủ những khuôn mẫu, thậm chí là luồn lách theo thời cuộc, chưa bao giờ chống lại định kiến, nên rất tôn thờ định kiến, nên họ cũng muốn giữ con cái mình trong vòng tròn ấy.
- Đấu tranh với gia đình để khẳng định những kiến thức đúng về LGBT và cố gắng thuyết phục bố mẹ, và thành công. Bố mẹ ở những trường hợp này thường là dạng thực sự mong muốn hiểu “chuyện gì đang xảy ra”, bối rối, hoang mang, nên họ sẽ tự động tìm hiểu kiến thức, nên con cái sẽ xem cách nào bố mẹ tiếp nhận kiến thức tốt nhất (sách vở, chuyên gia, họ hàng, bố mẹ cùng hoàn cảnh khác...)
- Có đấu tranh, nhưng thất bại, và thoát ly khỏi gia đình. Có thể là bắt đầu cuộc sống tự lập sớm, từ bỏ học hành, hoặc thiết lập cuộc sống mới với người yêu.

Đây là sẽ là một hành trình dài

Lời khuyên của mình với các bạn, là hãy đặt sự an toàn của mình lên trên hết, dù là bất kỳ trường hợp nào. Có vững vàng thì mới bước tiếp được, còn để mình quỵ ngã thì sẽ không có giải pháp. Ở đây, việc dự đoán xu hướng sử dụng bạo lực của bố mẹ là rất quan trọng. Trong bất kỳ trường hợp nào, cần cự tuyệt với các gợi ý từ bố mẹ mang tính hủy hoại vĩnh viễn sức khỏe hay tinh thần của mình: như đồng ý uống thuốc điều trị tâm thần, đồng ý quan hệ với người khác giới để có con...
Việc “đuổi ra khỏi nhà” ở Việt Nam khác so với phương Tây, phương Tây “đuổi để ra khỏi nhà”, còn Việt Nam thật sự là “đuổi để trở về nhà.” Đuổi ra khỏi nhà là hình thức gây áp lực nhằm ra một thỏa hiệp với con, hoặc hình thức bạo lực và thể hiện quyền lực như một phương pháp mà gia đình đó vẫn hay làm. Hiểu được thật sự bố mẹ đang nghĩ gì đằng sau từng lời nói, hành động là điều rất quan trọng. Bố mẹ Việt Nam lạ chỗ đó, nói vậy nhưng ý khác, “ý tại ngôn ngoại.”

Một số lưu ý quan trọng:

MỘT, Khi nói chuyện với bố mẹ, tránh dùng nhãn/thuật ngữ mà thay bằng trải nghiệm/cảm xúc. Ví dụ khi nói "con là chuyển giới nên con như thế", thì khái niệm chuyển giới của con cái và bố mẹ là khác nhau, với bố mẹ thì chuyển giới là đua đòi, trò hề, bệnh hoạn, hay bất thường cơ thể, nên khi con cái dùng như vậy bố mẹ sẽ gắn ngay những định kiến đó vào con cái. Thay bằng trải nghiệm và cảm xúc, nghĩa là phải nói về việc con đã trải qua những gì, có những gì bên trong mà bố mẹ chưa biết về con trước nay, con đã cảm thấy như thế nào khi giấu bố mẹ, tất cả về cảm xúc, để bố mẹ ít nhất hiểu diễn biến tại sao con là con ngày hôm nay, qua đó thuyết phục bố mẹ hiểu cảm xúc của mình là tự nhiên.
HAI, Thu thập những tin tức, ý kiến ủng hộ, tích cực cũng là gợi ý tốt. Đặc biệt các ý kiến ủng hộ LGBT từ nhà nước, nhà làm luật để ba mẹ thấy ngoài kia xã hội đã bớt định kiến hơn.
BA, Nhìn sâu vào, đâu là nỗi sợ của bố mẹ thật sự đằng sau những sự phản đối đó, để hóa giải giúp bố mẹ. Phụ huynh lạ lắm, khi họ thấy mình yếu, họ sẽ tỏ ra cứng rắn đến mức vô lý. Đôi khi mình cần nhìn bố mẹ mình như những con người đang có rắc rối: bố mẹ đang gặp trục trặc, khủng hoảng về tâm lý, những lời bố mẹ nói ra lúc này, dù là xúc phạm, hay là sai kiến thức, thì nó cũng xuất phát từ trạng thái tâm lý không ổn định. Nếu mình bị cuốn vào chạy theo từng cái một đó thì mình chắc chắn cũng bị khủng hoảng theo.
Bước lùi lại một bước để thấy là cái gì mới là khúc mắc chính, cái quan trọng nhất, thường lại là cái bố mẹ không bao giờ nói ra đâu: Ví dụ như giấc mơ của bố mẹ đã sụp đổ, sẽ không bao giờ nói ra như vậy. Chỉ khi vượt qua giai đoạn chối bỏ rồi họ mới có thể nói ra điều đó, ví dụ như "tao sinh mày ra muốn mày thế này thế nọ, mà giờ thế này thì biết làm sao?" Đó là dấu hiệu rằng giai đoạn chối bỏ đã chấm dứt, bố mẹ bắt đầu đương đầu với sự thật. Đây sẽ lúc thích hợp để tạo đối thoại, càng sâu càng tốt. Tận dụng cơ hội để bày tỏ quan điểm (thấy bố mẹ nói đúng hay sai) và cảm xúc của mình (mình cảm thấy tổn thương như thế nào) cho bố mẹ nghe.
CUỐI CÙNG, Một điều quan trọng, phải không còn bị tổn thương bởi những lời nói nặng nề của bố mẹ. Kiên trì để ba mẹ thấy mình cũng rất dứt khoát. Lúc nhu lúc cương, cứng rắn trong quan điểm, mềm dẻo trong thể hiện tình cảm.
Đây chắc chắn sẽ là một hành trình dài, không thể kết thúc nhanh chóng. Không có một “giải pháp duy nhất”, mà nhiều giải pháp, vào nhiều giai đoạn, có sự tham gia nhiều người. Khi đã tự xác định việc này sẽ mất thời gian, thì giữ cho tinh thần mình vững vàng sẽ là điều quan trọng nhất.

Nguyên tắc ba chiến lược

Đây là nguyên tắc do mình đúc rút ra. Không gọi là lời khuyên vì chỉ có bạn sẽ hiểu bố mẹ mình nhất, hiểu hành động nào sẽ phù hợp nhất, nhưng mình xem đây là những nguyên tắc mang tính gợi ý để bạn có cơ sở lựa chọn hành động phù hợp.
- Mục tiêu ngắn hạn: An toàn và bình thường hóa. An toàn cho mình, người yêu lẫn bố mẹ, mọi việc xảy ra còn quá “nóng”, đụng vào dễ “bỏng”, tốt nhất tìm cách hạ nhiệt tình hình, có thể có những thỏa hiệp nhất định. Giai đoạn này bắt đầu từ lúc bố mẹ vừa phát hiện, kết thúc khi xuất hiện dấu hiệu bố mẹ muốn tìm hiểu, đối thoại với với con cái.
- Mục tiêu trung hạn: Đối thoại và thuyết phục. Khi tạo được đối thoại nhỏ ban đầu, cố gắng “vẽ sơ đồ” ra những yếu tố, con người nào sẽ tác động đến suy nghĩ của bố mẹ. Dần dần đầu tư vào việc hỗ trợ cho bố mẹ. Giai đoạn này chấm dứt khi bố mẹ nói câu kinh điển sau: “Mày làm gì thì làm, cũng phải...”
- Mục tiêu dài hạn: Tự lập và tự tôn. Tự lập, vững về tài chính và tinh thần, mối quan hệ luôn là giải pháp hiệu quả nhất. Khi tự lập, khả năng áp đặt lên con cái sẽ rất hạn chế. Đây là giai đoạn tốt để khẳng định thêm các giá trị trước đó. Học hành, xây dựng các mối quan hệ xã hội, tu dưỡng nhân cách và giá trị sống chính là chìa khóa để trở thành một con người tự lập và tự tôn.
Một trường hợp khá phổ biến khi việc công khai liên quan tới người yêu (bố mẹ bắt chia tay người yêu, gây áp lực lên gia đình người yêu). Mình biết cả hai sẽ rất đau khổ, khi cùng lúc hụt đi chỗ dựa tình cảm, lại bị vơi đi tự do. Lời khuyên của mình là vẫn hãy cứ dựa vào 3 nguyên tắc chiến lược trên để đưa ra quyết định. Khi tư vấn các trường hợp này mình thấy rất tội nghiệp các em, có trường hợp bạn người yêu thấy quá áp lực, nguy hiểm đã chủ động chia tay ngay thời điểm khó khăn nhất khiến bạn kia vô cùng tuyệt vọng, tự tử hành hạ bản thân... nhưng từ lúc mình gặp mẹ Nguyệt ở Nha Trang, vốn cũng có những bạn tìm tới tư vấn, mình đã ngộ ra, vô cùng sáng tỏ khi nghe lời khuyên của mẹ: “Con cứ về đi, tình yêu đủ lớn thì sẽ vượt qua.” Nếu không thể vượt qua, cũng đừng quá buồn, tình yêu không còn đôi khi không nhất thiết phải là lỗi của ai cả. Giữ cho lòng mình nhẹ nhàng, bước qua thì vẫn hơn. Cũng có trường hợp cả hai vượt qua được, là duyên số của các bạn, gắn bó với nhau tới lâu dài.

Lời kết cho tương lai

Những ngày mưa bão thì thấy thế giới chỉ gói trong những cơn mây đen, chật hẹp, u ám và không lối đi, mưa tan thì mới nhìn ra được còn nhiều thứ phía trước. Từ bỏ thì dễ, thay đổi mới khó. Mà cái gì khó có thì mới càng quý. Người có sẵn gia đình ủng hộ thì là người may mắn. Người có gia đình phản đối thì sẽ là người thông minh và mạnh mẽ. Cuộc sống được tạo thành bởi 1% những gì xảy đến với mình, và 99% những gì mình phản ứng lại với những điều đó. Việc bố mẹ phát hiện ra mình là LGBT chính là 1% đó.

Comments