Ba mẹ dẫn đi gặp “lang băm”, xử lý sao?

Đọc thêm loạt bài về Người LGBT và Gia đình.

Nhiều phụ huynh khi phát hiện/được thông báo rằng con mình là người đồng tính, một trong những phản ứng phổ biến là nghi ngờ con mình “có bệnh cần chữa” hoặc cần tác động tâm lý để thay đổi. Người mà ba mẹ nghĩ tới thường là bác sĩ tâm lý (gọi đúng ra là bác sĩ tâm thần), bác sĩ tuyến nội tiết, hoặc bác sĩ nam khoa. Mặc dù đồng tính thật ra chẳng liên quan tới các chuyên khoa này, mà là công việc của chuyên viên tư vấn tâm lý, và người cần được tư vấn là ba mẹ.
Gặp bác sĩ là một con dao hai lưỡi. Nếu gặp bác sĩ có kiến thức đúng, ba mẹ sẽ được trả về ngay và khuyên học cách chấp nhận con cái. Nếu gặp bác sĩ có kiến thức “rởm”, thậm chí lang băm, kê đơn thuốc an thần, khuyên cách “chữa trị đồng tính” thì là đại họa vì bác sĩ thường được coi là tiêu chuẩn của kiến thức y khoa.
Vậy giải quyết như thế nào nếu ba mẹ đề nghị dẫn mình đi gặp bác sĩ, mà mình không biết xịn hay rởm, để hỏi về đồng tính?
Chuẩn bị kiến thức tốt, sẵn sàng đối thoại là chìa khóa cho vấn đề.
1. Trước hết, bản thân mình nên tự tìm hiểu những địa chỉ bác sĩ uy tín. Tốt nhất là từng có review của bạn bè, hoặc chủ động tới gặp trước một mình để trình bày. Mình sẽ liệt kê một số địa chỉ từng làm việc với mình ở dưới. Sau đó có thể về và đề xuất rằng con biết bác sĩ này có chuyên môn về đồng tính/chuyển giới và tới gặp.
2. Nếu ba mẹ đã có lựa chọn bác sĩ, hoặc không chịu bác sĩ do mình lựa chọn vì nghi ngờ, thì có thể nói: Con biết có nhiều bác sĩ vẫn có kiến thức sai về đồng tính, nên nếu con đi cùng ba mẹ gặp bác sĩ theo lựa chọn của ba mẹ, thì ba mẹ cũng phải để con sắp xếp gặp một bác sĩ theo lựa chọn của con. Ít nhất nếu hai bác sĩ có quan điểm khác nhau thì mình biết là cần phải thận trọng.
3. Khi gặp bác sĩ, NGUYÊN TẮC SỐ MỘT “Nếu bất kỳ khi nào thấy họ nói, đưa kiến thức sai, mình cần phải hỏi họ lại ngay lập tức, rằng đây là quan điểm cá nhân hay là bác sĩ tham khảo từ nguồn chính thức nào?”
Ví dụ: Bác sĩ bảo đây là rối loạn tâm lý, mình sẽ hỏi lại là bác sĩ có tham khảo sổ bệnh và rối loạn ICD-10 của tổ chức sức khỏe thế giới WHO không, trong đó không coi đồng tính là rối loạn tâm lý.
Ví dụ 2: Bác sĩ nói cần phải cách ly với đồng tính 1 thời gian để từ từ xác định lại, mình hỏi lại là đây là qua điểm cá nhân hay bác sĩ tham khảo ở đâu cách điều trị này? Bác sĩ đã đọc những tài liệu nói về hậu quả tâm lý của việc cách ly hoặc cố gắng thay đổi xu hướng tình cảm của người đồng tính không?
Ví dụ 3: Quan điểm bác sĩ trung dung, hoặc mập mờ lúc nói bình thường nhưng lại cần giám sát chẳng hạn, chờ một thời gian xem sao, có thể là do ngộ nhận, có thể là do bị lôi kéo, thì cũng cùng một công thức: “Bác sĩ tham khảo những nguồn kiến thức về đồng tính/chuyển giới này từ đâu?”
Tại sao lại xoáy đi xoáy lại về căn cứ khoa học của bác sĩ? Vì mình biết chắc 100% không có tài liệu chính thống nào từ phía y tế nói đồng tính là bệnh, rối loạn hay “mách”cách thay đổi cả. Nên chắc chắn họ sẽ không thể đưa ra căn cứ.
4. Họ vẫn đưa ra được chứng cứ thì sao? Ví dụ như bài báo, bài trên Wikipedia trong đó trích ý kiến rõ ràng về đồng tính giả, đồng tính đua đòi? Thì mình dựa vào NGUYÊN TẮC SỐ HAI: “Sau khi hỏi về nguồn kiến thức của bác sĩ thì trình bày về nguồn kiến thức của mình.”
Ví dụ: “Theo những thông tin em tìm hiểu từ các nguồn thông tin chính thức từ Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) hay Hiệp hội tâm thần học Hoa Kỳ (APA) thì đồng tính/chuyển giới là yếu tố bình thường của con người, không phải chữa và không được phép chữa. Có hai tài liệu rất quan trọng các bạn cần thuộc nằm lòng để nói chuyện với bác sĩ, (1) Sổ chẩn bệnh ICD - phiên bản 10 của WHO năm 2000, thì không còn coi đồng tính là bệnh hay rối loạn, mà không phải bệnh thì không cần và không được chữa, (2) Sổ chẩn bệnh DSM-V của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ từ 1973 cũng không coi đồng tính là bệnh, và cảnh báo không được phép có những biện pháp cố gắng thay đổi xu hướng tự nhiên của họ. Nhớ thuộc hai cái này là được.
5. Nếu bác sĩ đưa ra bằng chứng, tài liệu tiếng Việt về “đồng tính giả” hay kiểu do bị lôi kéo tập nhiễm, thì trình bày luôn rằng em biết đây là phát biểu của Cố BS Trần Bồng Sơn, tuy nhiên em cũng biết sau này thì Cố BS có thừa nhận đây là quan điểm riêng của BS chứ bản thân BS không hiểu về vấn đề này. Đồng tính là một xu hướng tình cảm bền vững, và mỗi người sẽ cảm nhận về mình rõ nhất, ví dụ bác sĩ biết rất rõ bác sĩ thích người khác giới, không có ai nghi ngờ bác sĩ bị lôi kéo cả, thì em cũng biết rất rõ từ lúc nhỏ/dậy thì em có cảm xúc với người cùng giới. Sau đó kể về trải nghiệm từ nhỏ, để thấy quá trình này của mình là tự nhiên thế nào. Sau đó hỏi bác sĩ nghĩ sao?
6. Nếu bác sĩ không đưa nguồn kiến thức, mà lấy ví dụ nhiều trường hợp từng do bác sĩ tư vấn, rằng họ tự nhận mình bị lôi kéo và sau đó không thoát ra đc (cái này báo có đăng chứ cũng không phải không), và sau đó bác sĩ đã giúp họ. Thì mình nói đó là bản thân họ là người đồng tính, họ không hiểu về mình và bị tự kì thị mình, nên chối bỏ và cho rằng mình bị lôi kéo. Và khẳng định em hiểu rõ về mình thế nào.
7. Trường hợp bác sĩ ngoan cố vẫn khẳng định kiến thức sai của họ là đúng, mình rất nên phát biểu thẳng thắn và dứt khoát là "Em không đồng ý với những quan điểm của bác sĩ, em nghĩ những điều này ảnh hưởng tiêc cực tới đời sống của em. Em mong muốn bác sĩ có thể gặp các chuyên gia trong vấn đề này để trao đổi thêm.” Sau đó có thể lặp lại phần khẳng định kiến thức của mình, nói là mình sẵn sàng cung cấp các tài liệu kiến thức để bác sĩ tham khảo.
Địa chỉ nào?
- TP.HCM: Bệnh viện thì mình không rõ. Chuyên viên tâm lý thì xin tới WE Link (search “Ngô Minh Uy”), là rất vững về kiến thức LGBT lẫn kỹ năng tham vấn ở Sài Gòn. Ngoài ra xin liên hệ Trung tâm ICS để kết nối xa hơn. (www.ics.org.vn)
- Hà Nội: Khoa sức khỏe nam giới của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội rất tốt (Phòng 309 Nhà A5 ĐH Y HN), cụ thể là chị Thu Trang (thạc sĩ tâm lý từ Pháp) hoặc chị Kiều Trang có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ các gia đình. Ngoài ra xin liên hệ Viện nghiên cứu iSEE để kết nối xa hơn. (www.isee.org.vn)
Liệt kê ngay vào danh sách đen là Bệnh viện Nội tiết Trung Ương, Bệnh viện Bạch Mai Khoa Thần Kinh, hai địa chỉ này vô cùng bậy bạ khi tiếp người nhà và người LGBT, cho thuốc an thần rồi đưa đi xét nghiệm đủ thứ, tái khám như thiệt. Xin mọi người comment góp giúp địa chỉ tin cậy, và địa chỉ đen luôn.
Tài liệu ở đâu?
Tới ICS hoặc iSEE để lấy tài liệu, các quyển khuyến khích là “Hỏi nhanh Đáp gọn về Đồng tính”, “Những đứa con của chúng ta”, “Nói về mình” và đặc biệt là “Lời mẹ kể.” Có thể tải bản mềm từ trang www.thuvien.lgbt hoặc liên hệ để ICS, iSEE gửi qua đường bưu điện.
Ngoài ra phụ huynh thường tin lời chuyên gia trên TV, đặc biệt là VTV, nên có thể bật các video về LGBT sau cho phụ huynh xem:
VTV1: Nhìn nhận về cộng đồng người đồng tính https://www.youtube.com/watch?v=acCXPEVDRBo (Thông điệp clip này nhìn chung tích cực, chưa nói nhiều về kiến thức, nhưng nhấn mạnh ở chỗ đồng tính là bình thường)
VTV2: Hiểu về đồng tính? https://www.youtube.com/watch?v=wUL5LnNWK38 (Kênh Khoa giáo của VTV, chương trình nhiều tập, kiến thức đa chiều và khá dày)
VTV3: Làm gì khi con đồng tính? https://www.youtube.com/watch?v=jhJanJW3EEI (bản thân mình thích clip này, và nó tập trung vào việc ứng xử khi biết con đồng tính)
PS: Về chuyển giới, thì cơ bản cũng như vậy, nhưng nguồn kiến thức thì khác chút, mình chưa tổng hợp kịp, bạn nào làm giúp mình thì rất hay.

Comments