Truvada: "Thần dược" chống HIV?

Trong thông cáo báo chí ngày 11/7/2014 của Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO), có đoạn: "Lần đầu tiên, WHO mạnh mẽ khuyến khích những nam giới có quan hệ tình dục với nam cân nhắc sử dụng thuốc kháng virus như một biện pháp bổ sung để phòng ngừa nhiễm HIV (phòng ngừa tiền phơi nhiễm) bên cạnh việc sử dụng bao cao su. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam giới có quan hệ tình dục với nam giữ mức cao gần như ở mọi nơi và những biện pháp phòng ngừa mới là cực kì cần thiết."*


Thông tin này khá quan/nghiêm trọng, khi cả CDC và giờ là WHO đều ra khuyến nghị tất cả những người đồng tính nam đang có sinh hoạt tình dục hãy bắt đầu sử dụng PrEP (thuốc chống tiền phơi nhiễm) hàng ngày như một biện pháp bổ sung để phòng ngừa HIV. Nếu thông tin này không được hiểu một cách thấu đáo sẽ tạo một nhận thức không đầy đủ về PrEP, cũng như về nhận định nguy cơ, hành vi của người đồng tính nam.



PrEP (phòng ngừa tiền phơi nhiễm) và Truvada ("viên thuốc màu xanh")

Thuốc Truvada của hãng Gilead Sciences, hay còn gọi là "blue pill" (vì nó có màu xanh, màu của hy vọng) là một nhãn thuốc kháng virus HIV sử dụng khi một người HIV âm tính thực hiện hành vi tình dục nguy cơ cao (ví dụ phát hiện rách, tuột bao khi quan hệ, hay quên/không sử dụng bao cao su với người không rõ tình trạng).  Những người thường xuyên có hành vi nguy cơ cao (lao động tình dục, diễn viên phim khiêu dâm, hoặc người có người yêu là "HIV poz" (dương tính) được khuyên sử dụng hàng ngày PrEP. Vì Truvada là nhãn thuốc phổ biến nhất của PrEP nên trong bài viết này đôi khi sẽ sử dụng thay thế hai từ này.

Vốn là thuốc điều trị HIV, dùng với một số thuốc khác. Vài năm trước, Truvada được chứng minh có thể ngăn ngừa lây nhiễm HIV khi sử dụng hàng ngày. Khi một người "HIV neg" (âm tính) sử dụng Truvada hàng ngày, cơ thể có sức đề kháng mạnh hơn với HIV, thành ra được ví như "thuốc phòng tránh HIV", bất chấp không cần biện pháp bảo vệ vật lý khác. Nếu dùng đều đặn sẽ giảm được nguy cơ đến 92% (theo tài liệu WHO), thậm chí là 99% (theo quảng cáo). Nếu dùng không thường xuyên thì tỷ lệ còn khoảng 40%.

Cũng vì thế mà Truvada được/bị gắn nhãn là "thuốc ăn chơi", là "lệnh bài" cho những người thích barebacking (quan hệ không sử dụng bao cao su). Có hẳn từ lóng để chế nhạo những người dùng Truvada cho mục đích quan hệ tình dục vô tội vạ, là "Truvada whores" ("dân chơi Truvada"). Tác dụng phụ? Buồn nôn, nhức đầu, đau lưng, vấn đề về thận, trầm cảm, những triệu chứng này nhẹ và giảm dần sau vài tuần, vài tháng.

Quan điểm ủng hộ PrEP như một biện pháp phòng tránh HIV

"Some people don't use condom, get over it!" là khẩu hiệu... tôi tự nghĩ ra. Đôi khi chúng ta tuyên truyền thật nhiều về việc bắt buộc phải sử dụng bao cao su, nhưng giống rất nhiều vấn đề khác trong cuộc sống, thực tế nó vẫn ở đó: vẫn sẽ có người không sử dụng, vì nhiều lý do, không biết hoặc không thích. Vậy nếu có một biện pháp làm tăng hiệu quả việc phòng ngừa, thì tại sao chúng ta lại chối bỏ nó?

Quyền. Không ai bị ép buộc phải dùng bao cao su, nói cách khác, họ có quyền không sử dụng bao cao su. (Tương tự một phụ nữ để tránh thai thì có thể dùng bao cao su, hoặc uống thuốc tránh thai nếu cô ta không thích.) Nếu một người kiên quyết nói "Tôi sẽ không sử dụng bao cao su", và chúng ta biết Truvada có thể làm giảm nguy cơ nhiễm HIV, chúng ta có xem đó là quyền của họ để phổ biến họ sử dụng thuốc này không? Câu trả lời là "tại sao không?" Họ có quyền lựa chọn điều gì tốt nhất và làm họ thấy thoải mái. Nếu sử dụng PrEP khiến họ thoải mái, thỏa mãn và hạnh phúc hơn dùng bao cao su, thì họ có quyền lựa chọn PrEP.

Biện pháp kết hợp. Tất cả các tài liệu truyền thông đều coi PrEP như một "biện pháp bổ sung", bên cạnh việc sử dụng bao cao su chứ không phải là "biện pháp thay thế." Thực tế thì sử dụng bao cao su là biện pháp rất an toàn, tuy vậy trong quan hệ qua đường hậu môn thì việc rách bao cao su là thường xuyên hơn, vậy khi kết hợp với một biện pháp như PrEP sẽ làm tăng hiệu quả phòng ngừa hơn nữa.

Biện pháp cho những ai phù hợp. Không ai bắt buộc bạn phải từ bỏ bao cao su cả. Thêm nữa giá thành của Truvada là khá cao, không phải ai cũng mua được. Những người sẵn sàng bỏ thêm tiền để tăng sự bảo vệ thì họ sử dụng thêm PrEP. Bất cứ biện pháp hiệu quả nào đều nên được phổ biến và cân nhắc.



Quan điểm phản đối PrEP như một biện pháp phòng tránh HIV

Mạnh mẽ nhất vẫn là ý kiến cho rằng đây là một chiêu vận động bán hàng của Truvada, WHO và CDC chỉ đang làm quảng cáo và truyền thông cho nó. Sự nhiệt tình quảng bá PrEP như một biện pháp phòng tránh HIV của WHO khiến người ta hoài nghi về những hợp đồng kinh tế đằng sau đó. Những lời nặng nề như "công ty thuốc không chữa bệnh, họ chỉ muốn tạo ra khách hàng" thường xuyên được nhắc tới.

Giá thành. PrEP khá đắt, so với cả các nước phát triển (khoảng $800-1300 USD/tháng, giá thành gốc và ít công ty bảo hiểm chi trả cho Truvada). Họ hồ nghi làm sao WHO dám "điên rồ" khuyến nghị hàng trăm triệu người đồng tính trên khắp thế giới một biện pháp đắt tiền và không phù hợp như vậy.

Lựa chọn. Cái này phản lại lập luận "quyền" ở trên. Nếu họ thực hiện hành vi tình dục không an toàn, đó là "lựa chọn" chứ không phải "quyền" của họ. Quyền ở đây phải là quyền của người khác được bảo vệ khỏi các hành vi không an toàn.

Biện pháp không bền vững. Theo phát biểu không chính thức, mặc dù luôn được khuyến cáo là một "biện pháp đi kèm" với bao cao su để tăng hiệu quả, những người sử dụng PrEP luôn có tỷ lệ sử dụng bao cao su thấp dần rõ rệt theo thời gian. Thói quen chỉ được tạo từ hành vi duy trì liên tục, nếu nó không được duy trì thì thói quen cũng sẽ sớm muộn bị bỏ. Rất nhiều người vẫn trung thành với quan điểm, đặt một miếng cao su lên mỗi khi quan hệ tình dục vẫn đơn giản, kinh tế và hiệu quả hơn rất nhiều so với uống liên tục một loại thuốc. Màu xanh tươi mát, màu của niềm tin, hy vọng của viên thuốc Truvada có thể làm người dùng ảo tưởng rằng mình đã hoàn toàn an toàn. Theo quan điểm này, PrEP cần được xem là biện pháp "khẩn cấp" hơn là một biện pháp thường xuyên.

Tuân thủ. Một nghiên cứu cho thấy, chỉ 10% người dùng Truvada tuân thủ uống thuốc đều đặn. Khi vừa không tuân thủ thuốc, vừa bỏ thói quen sử dụng bao cao su, tâm lý chủ quan và không đi xét nghiệm thường xuyên, thì hành vi quan hệ tình dục của họ sẽ có nguy cơ rất cao. Những người ủng hộ PrEP nói rằng "kêu gọi thay đổi hành vi là một việc không hiệu quả" (ám chỉ việc kêu gọi sử dụng bao cao su), nhưng họ quên rằng sử dụng Truvada thật ra cũng là một thay đổi hành vi khi phải tuân thủ việc uống thuốc đều đặn.

Kháng thuốc. Truvada dùng chất tương tự như trong thuốc điều trị HIV, do vậy việc sử dụng diện rộng thuốc này có thể khiến tăng khả năng kháng thuốc của HIV. Muốn tránh tình trạng này, trước khi sử dụng Truvada, người ta cần xét nghiệm đảm bảo âm tính, sau đó xét nghiệm lại định kỳ vài tháng, rồi mới bắt đầu sử dụng PrEP hàng ngày. Điều này là rất khó. Nếu nhiễm HIV khi bắt đầu/đang sử dụng Truvada, sẽ làm HIV trở nên kháng thuốc mạnh hơn, và nếu lây sang người khác thì nó cũng kế thừa những đặc tính đó. Họ cáo buộc đây là sự vô trách nhiệm của các chiến dịch quảng bá Truvada.

Tác dụng phụ. Một số người sử dụng Truvada nói tác dụng phụ của nó là đáng kể. Khi cơ thể bạn không bị bệnh, bạn lại phải liên tục uống một thuốc kháng virus, thì đó là một điều không tốt với cơ thể.

STIs (các nhiễm khuẩn qua đường tình dục). PrEP không có tác dụng với các STI hay các bệnh lây qua đường tình dục như viêm gan, giang mai, lậu... Việc sử dụng PrEP như biện pháp phòng ngừa HIV có thể sẽ làm sao lãng việc sử dụng bao cao su, vốn vẫn là biện pháp hiệu quả để phòng tránh STIs.

Định kiến thêm về hành vi tình dục cùng giới. Bất kỳ ai có hành vi quan hệ tình dục không an toàn, không phân biệt cùng giới hay khác giới, là đều có nguy cơ cao và đều cần có biện pháp bảo vệ. Vậy tại sao phải nhấn mạnh việc sử dụng PrEP cho người đồng tính? Điều này cũng góp phần khắc sâu thêm định kiến "HIV là chuyện của đồng tính".

Kết luận

Sớm muộn thông tin về Truvada và khuyến cáo của WHO cũng sẽ tới Việt Nam. Nguồn cung ứng thuốc tới thị trường Việt Nam thì chưa rõ. Vậy thì rất cần thiết để ngay từ bây giờ chúng ta có đủ thông tin về PrEP cũng như phân tích các quan điểm về khuyến nghị của WHO, nhất là sự nhạy cảm về truyền thông với báo chí, các tổ chức làm về sức khỏe, và nhận thức của cộng đồng người đồng tính.

* Xem tại: http://www.who.int/mediacentre/news/releases/2014/key-populations-to-hiv/en/
Bài viết đã được đăng trên Diễn Ngôn.

Comments