Cộng đồng LGBT Việt Nam cần gì để bước tiếp?

Bài viết đã được đăng trên Diễn Ngôn.



Theo các bạn thì cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới (“LGBT”) Việt Nam cần làm gì trong năm 2014?

Vào một ngày cuối năm 2013, câu hỏi này đã được đặt lên ở cuối buổi hội thảo về chủ đề phong trào quyền LGBT. Bên cạnh cấu trúc câu trả lời quen thuộc “phát huy những điểm mạnh, hạn chế những thiếu sót”, trong đầu tôi bật ra một câu khác hơn một chút: “Cộng đồng LGBT Việt Nam thật sự đang cần gì?”


Chúng ta cần nhiều sự kiện công cộng hơn nữa? Chúng ta cần nhiều người đồng tính công khai hơn nữa? Chúng ta cần nhiều bài báo, chương trình truyền hình ủng hộ LGBT hơn nữa? Chúng ta cần nhiều đối thoại giữa cộng đồng LGBT với những người hoạch định chính sách hơn nữa? …

Không thể lấy ước mơ để đạt được ước mơ. Và điều mà cộng đồng LGBT rất cần lúc này để công cuộc vận động chính sách, thay đổi xã hội có thể thành công: đó là lý lẽ.

Tại sao phải cần có lý lẽ?

Lý lẽ là một công cụ tương đương với bằng chứng và tình cảm. Thời gian vừa qua, cộng đồng LGBT đã sử dụng rất nhiều và thành công phương tiện “tình cảm.” Tất cả những nỗ lực từ việc công khai, kể câu chuyện đời mình, nói lên ước mơ của mình, tập hợp nhau hát múa sẽ tác động vào tình cảm của người nghe, người thấy. Nó còn tác động vào cả tình cảm của chính người trong cuộc khi họ thấy yêu bản thân và tự tin hơn.

Tuy nhiên con người hành động theo cả tình cảm lẫn lý trí. Tình cảm xuất phát từ sự thấu hiểu, đồng cảm, tình thương, sự xót xa... Tình cảm còn xuất phát từ niềm tin tôn giáo, văn hóa, giá trị sống. Đó là lý do tại sao khi đề cập tới hôn nhân cùng giới, nhiều người nói rằng “ủng hộ các bạn, nhưng không ủng hộ việc các bạn kết hôn” vì những gì cộng đồng làm chỉ mới tác động được tới sự cảm thông, chứ chưa thay đổi được niềm tin và giá trị của người đó về hôn nhân.

Trong khi đó, lý trí xuất phát từ các lập luận, tư duy logic, các động cơ lợi ích, các thông tin chính xác. Con người có xu hướng tự cho là mình cần phải hành động theo lý trí. Các hành động hợp với lý trí thường được gắn liền với sự công bằng, hợp với lẽ phải và công lý. Trong khi các hành động hợp với tình cảm thì thường được gắn với truyền thống văn hóa, đạo đức xã hội.

Cảm tính có thay thế được lý lẽ?

Cộng đồng LGBT Việt Nam thường nghĩa rằng mình đứng về lẽ phải, và lẽ phải là vũ khí mạnh nhất. Có thể. Nhưng nếu chỉ dùng tình cảm để thuyết phục mọi người đứng về lẽ phải thì có được không?

Nếu không có lý lẽ, anh sẽ chỉ là người đứng lên đòi hỏi quyền lợi cho bản thân, đấu tranh vì bản thân. Chỉ có tình cảm, nghĩa là người ta giúp anh vì người ta thương anh. Nó là hành động nhân văn nhưng không bắt buộc. Còn khi đủ lý lẽ, anh sẽ có cái "thế" để kêu gọi sự ủng hộ cho anh vì anh đang đấu tranh cho lẽ phải. Có lý trí, nghĩa là người ta nhận ra họ có nghĩa vụ phải tôn trọng anh.

Trong năm 2013, chúng ta có rất nhiều người đồng tính công khai với công chúng, nhưng hầu hết là người trẻ với ít trải nghiệm về cuộc sống hôn nhân. Và thông điệp của câu chuyện thường xoay quanh việc “yêu nhau lắm, muốn cưới nhau lắm, mong chờ pháp luật thay đổi lắm.Đó chính là tác động tới tình cảm, mà không có đủ lý trí. Chúng ta cũng có rất nhiều sự kiện cộng đồng, hát ca và tung cao ngọn cờ cầu vồng, những bài báo khắc họa chân dung cuộc sống “là một người đồng tính.” Mỗi khi có một ý kiến phản đối, cộng đồng LGBT thường dùng sức mạnh của số đông để đàn áp, “anh thật ích kỷ, anh thật lạc hậu, anh thật kỳ thị.” Đó cũng là dùng cảm tính để thay cho lý trí, hay tệ hại hơn nữa là chụp mũ, “cả vú lấp miệng em.”

Lý lẽ, số đông và lẽ phải: không giống nhau

Có ý kiến cho rằng, xét cho cùng con người chỉ hành động vì lợi ích bản thân mình. Theo đó thì bản chất của lý lẽ là chỉ ra cho người ta thấy các lợi ích, tính hợp lý của đề xuất của ta gắn liền với lợi ích của họ. Ví dụ anh kỳ thị tôi vì xu hướng tình cảm, người khác có thể kỳ thị anh vì vùng miền, vì thu nhập. Trong khi kỳ thị tôi anh cũng chả được gì, chỉ là một định kiến về tâm lý do anh không hiểu về tôi. Định kiến thường xuất phát từ sự cảm tính về nỗi sợ mơ hồ của con người đối với những thứ mà họ không hiểu được. Và khi sự cảm tính này đến từ số đông, thì số đông sẽ lựa chọn kì thị và áp đặt lên những cái mà họ ghét, họ sợ.

Nếu chúng ta chỉ chú trọng tìm cách giải quyết bằng cảm tính, thì đầu tiên là chúng ta không giải quyết được tận gốc nỗi sợ - ghét do thiếu hiểu biết, thiếu lý trí. Tiếp nữa là chúng ta không thể “đấu” lại cảm tính của số đông bằng cảm tính của số ít. Hay nói cách khác, không thể “lấy thịt đè người” khi mà “người” có nhiều thịt hơn ta.

Nhiều quốc gia thường làm khảo sát hàng năm về tỷ lệ người ủng hộ quyền kết hôn LGBT, và những năm gần đây số người ủng hộ bắt đầu vượt lên làm đa số, có nghĩa là người phản đối lại trở thành thiểu số. Nhưng có một thực tế là tại Việt Nam số người phản đối vẫn còn là phần đông dân chúng. Trong thời điểm như vậy, nếu chỉ tuyệt đối dựa vào cảm tính, cộng đồng LGBT mãi mãi là một cộng đồng đáng thương, tội nghiệp, dễ tổn thương trong mắt xã hội. Lý lẽ là cái sẽ giúp cộng đồng xác lập một nền tảng bình đẳng để đứng lên.

Có lý lẽ để bao dung hơn, nhìn dài và đi xa hơn

Trong một cuốn sách của Michael A. Gilbert, ông có viết: “Bạn học được rất nhiều điều từ việc trao đổi lý lẽ với người khác. Trước hết, bạn học được người ta tin vào điều gì và tại sao như vậy. Thứ hai, từ cách mà họ đưa ra lý lẽ, bạn cũng học được cái gì là giá trị, niềm tin của họ và cách họ thể hiện nó. Bạn học được cả một thế giới quan của người khác. Lý lẽ cũng giúp bạn hiểu thực sự bạn tin vào điều gì, người khác tin vào điều gì, và tại sao như vậy.

Lý tưởng thì chỉ có một, nhưng cần 1 triệu lý lẽ khác nhau để 1 triệu người LGBT có thể hiểu được tại sao mình cần phải có bình đẳng, và tại sao nhất quyết không thể là “bình đẳng một phần” hay “bình đẳng theo lộ trình.” Mỗi một người cần là một người đưa tin, nhà hoạt động trong chính gia đình của mình, cộng đồng của mình nơi trường học, xóm làng, nơi làm việc.

Có được lý lẽ trong tay, tôi tin sẽ không còn những người cho rằng cuộc đấu tranh của cộng đồng LGBT là không khả thi; bởi vì chúng ta không thể nào hoàn thành được điều mà chúng ta chưa bao giờ bắt đầu. Tôi tin sẽ không còn những người mất hết hứng khởi khi nghe nhà nước vẫn không thừa nhận hôn nhân cùng giới; bởi vì vận động chính sách không phải là câu chuyện xin cho một món đồ để “được hay mất”. Tôi tin sẽ không còn những người nổi đóa lên khi thấy có ai đó không ủng hộ hôn nhân cùng giới; bởi vì thay đổi xã hội thực sự cần thời gian và nỗ lực để đạt được, cũng như biến những người phản đối thành đồng minh của mình thì quan trọng hơn biến họ thành những kẻ thất bại hay đáng xấu hổ.

Kết

Chúng ta cần biết mình đang phải đối mặt với cái gì. Đó không phải là một tập giấy với những điều luật, mà sâu xa hơn là lý do mà những điều luật đó vẫn còn tồn tại ở đó. Chúng ta ghét những định kiến chứ chúng ta không ghét những người định kiến. Và lý luận chính là chìa khóa để khai mở cho mọi người đi đến việc tạo ra thay đổi xã hội.

* Cảm ơn hai bạn Thu Minh, Đức Minh đã đóng góp cho người viết “lý lẽ” để viết bài này.

Comments