Edith Windsor: Nguyên đơn vụ kiện của Tình Yêu

Năm 2013, tạp chí TIME bầu chọn Đức giáo hoàng Francis là "Nhân vật của năm." Một điều thú vị là đứng ở vị trí top 3 chính là một người phụ nữ mà cả cuộc đời của bà đấu tranh cho một niềm tin có vẻ đi ngược lại với đức tin của Công giáo: vận động hợp hóa pháp hôn nhân cùng giới.

Bà chính là Edith Windsor, người đã đâm đơn kiện nước Mỹ trong vụ kiện lật đổ khoản 3 của Luật Bảo vệ hôn nhân (viết tắt DOMA) trong đó định nghĩa hôn nhân chỉ là giữa một nam và một nữ, và khước từ các quyền lợi liên bang của các cặp đôi cùng giới. Kết quả của vụ kiện là hôn nhân cùng giới tại tại các tiểu bang đã hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới sẽ được công nhận trên toàn liên bang và hưởng hơn 1138 quyền lợi liên bang như phúc lợi xã hội, khấu trừ thuế, bảo lãnh nhập cư, chăm sóc y tế... Công dân Mỹ ở các tiểu bang chưa hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới có thể đăng ký ở một bang khác đã hợp pháp hóa, và hôn nhân của họ cũng có giá trị toàn liên bang.

Người phụ nữ 84 tuổi này là ai mà lại có ảnh hưởng mạnh mẽ tới hàng triệu người đồng tính trên nước Mỹ cũng như toàn thế giới như vậy?



--

Căn hộ của Edith treo đầy hình ảnh của bà và người vợ quá cố, Thea Spyer, đã mất vào năm 2009. Khi Thea qua đời, di chúc để lại tất cả tài sản cho Edith. Mặc dù đã kết hôn hợp pháp với nhau ở Canada vào năm 2007, tuy nhiên vì hai người không được xem là phối ngẫu của nhau theo như khoản 3 của DOMA, nên Edith phải đóng một khoản thuế là 363.053 USD cho việc nhận di sản. Một năm sau bà đệ đơn kiện lên tòa án Nam New York. Vụ kiện được đưa dần lên và nhận phán quyết cuối cùng bởi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ với số phiếu 5-4 tuyên bố khoản 3 của DOMA là vi hiến, trả lại cho bà số tiền thuế bà đã đóng, và tạo tiền án lệ cho tất cả các hôn nhân cùng giới đã được tiến hành ở tiểu bang sẽ được công nhận trên toàn liên bang.


Quay ngược thời gian lại năm 1965, khi Beatles vẫn đang hát 'Yesterday', Edith Windsor đã gặp Thea Spyer ở thành phố New York. Họ khiêu vũ và yêu nhau. Edith là nhân viên tư vấn hệ thống máy tính của hãng IBM, còn Thea là tiến sĩ tâm lý học cũng hành nghề ở New York.

Năm 1967, Thea cầu hôn Edith. Không dùng nhẫn đính hôn như thông thường vì sợ mọi người nhận ra, Thea quỳ gối trước mặt Edith, với một ghim tròn cài áo đính kim cương: "Will you marry me?" Edith xúc động thốt lên "Vâng vâng vâng vâng" mà không cho Thea nói hết lời.



Dù rất thành công với sự nghiệp, cả hai vẫn luôn giấu diếm mối quan hệ của mình. Một lần Edith hỏi: "Sẽ ra sao nếu chúng ta cứ đặt hết năng lượng của mình vào việc che giấu này?", Thea trả lời rằng "Ồ không sao cả. Không ảnh hưởng gì đâu." Edith kể tiếp: "Nhưng vài phút sau, cả hai cùng khóc. Rõ ràng nó có ảnh hưởng, dù chúng tôi không chủ động biết."



Hai người dành bất cứ thời gian nào có thể để du lịch vòng quanh thế giới. Năm 1977, Thea khi đó 45 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh đa xơ cứng khiến bà phải đi lại trên xe lăn, nhưng điều này không ngăn hai người vẫn tiếp tục khiêu vũ với nhau với chiếc xe lăn. Lần đầu Edith ngồi trên lòng Thea trên chiếc xe lăn để khiêu vũ, nhưng bà chỉ có thể khóc. Năm 2002, Thea mắc thêm bệnh tim mạch.



Cho tới năm 2007, khi bác sĩ nói Thea chỉ có thể sống dưới một năm nữa, hai người lập tức bay tới Toronto, Canada để kết hôn với nhau. Sau đúng 40 đính hôn với nhau, Edith và Thea mới chính thức kết hôn, mặc dù hôn nhân đó không được quốc gia của hai người thừa nhận. Sức khỏe Thea ngày càng xấu đi nhanh chóng. 21 tháng sau đám cưới, Thea ra đi.

Đang trong sự buồn khổ vì mất mát quá lớn, Edith bất ngờ được yêu cầu phải đóng tiền thuế hưởng di sản, với lý do hôn nhân của hai người không được chính quyền liên bang thừa nhận. Edith lên cơn đau tim và nằm viện một tháng liền sau đó. Khi khỏe lại, bà chợt nghĩ mình cần phải làm gì đó. Bà kiện không phải vì số tiền mà mình phải nộp, mà vì lẽ công bằng mà bà nghĩ những người như bà, Thea hay bất kỳ cặp đôi đồng tính nào khác đáng được hưởng.



Bà lên tiếng mạnh mẽ trong các cuộc vận động. Một số tổ chức vận động quyền cho người đồng tính, song tính và chuyển giới ("LGBT") từ chối giúp đỡ bà vì cho rằng bà hơi được ưu tiên khi làm hình ảnh đại diện trong một vụ kiện quan trọng như vậy. Cuối cùng bà gặp được Roberta Kaplan, một luật sư và cũng là người đồng tính nữ, giúp bà khởi kiện vào năm 2010. Trong phòng bà dán một bức ảnh bằng to người thật của Thea, để đôi lúc bà dựa vào đó để kể về tiến trình của vụ kiện.

Ngày 26/6/2013, Edith bước tới Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ với chiếc ghim cài áo đính hôn năm xưa. Niềm tin vào công lý, vào tình yêu đã đưa Edith, Thea cũng như toàn bộ cộng đồng người đồng tính trên nước Mỹ tới phán quyết lịch sử. Trong sự vui mừng, bà phát biểu: "Hôn nhân là một từ kỳ diệu. Nó biểu tượng hóa cam kết và tình yêu không giống với bất kỳ thứ gì khác. Nó được hiểu trên toàn thế giới. Bất kể đi tới đâu, nếu nói hai bạn đã kết hôn, điều đó có một ý nghĩa đặc biệt với người nghe. Trả lời cho những ai không hiểu tại sao chúng ta muốn có hôn nhân, cần có hôn nhân -- nó là một điều kỳ diệu."



* Đọc thêm những câu chuyện và con người sau:
Câu chuyện về cặp đôi cùng giới đầu tiên trên thế giới được pháp luật công nhận.
40 năm không đơn độc của người đồng tính.
Người chứng minh cho điều hiển nhiên.
Lịch sử của Tự hào.



Comments

Post a Comment

Ai cũng có thể comment, dùng tài khoản Wordpress, Typepad, AIM... hay thậm chí chỉ cần để lại Name/URL của bạn. Nếu không thì comment ẩn danh (Anonymous) cũng được chào đón! ツ

Để nhận được thư báo khi có comment phản hồi, hãy nhấn Subscribe by email ở dưới khung comment. Để dừng việc hồi báo này, nhấn Unsubscribe ở cùng vị trí.