Trong chiến dịch “Tôi Đồng Ý” nhằm giúp những người ủng hộ hôn nhân cùng giới có cơ hội lên tiếng nói, nhà báo Tạ Bích Loan đã tham gia chụp hình với tấm bảng “Tôi Đồng Ý.” Khi được hỏi chị muốn nêu cảm nhận gì về hôn nhân cùng giới, chị đã phát biểu rất ngắn gọn: “Tôi đã từng không đồng ý.”
Năm 2010 tại Chicago (Hoa Kỳ) trong một lễ hội ngoài trời của người đồng tính, một nhóm người đứng tụ tập một góc, mặc những chiếc áo thun với dòng chữ “Xin lỗi” và cầm tấm bảng “Tôi đã từng là một người kỳ thị đồng tính.” Một người đồng tính nam đi ngang qua , hỏi lớn “Xin lỗi gì vậy, đang lễ hội vui vẻ mà?” Người đàn ông trong nhóm chỉ vào tấm bảng bên dưới. Trong một khoảnh khắc rất nhanh, người đàn ông đồng tính hiểu ra vấn đề, đứng sững lại nhìn chằm chằm vào cả nhóm người. Và anh ta chạy đến ôm chầm lấy người đàn ông kia, nói thầm vào tai, “cảm ơn anh” cùng với những giọt nước mắt bất ngờ.
Người đàn ông cầm tấm bảng đó là Marin. Ông mô tả mình đã từng được nuôi dạy trong một môi trường rất bảo thủ, và lớn lên với một tư tưởng chống đối đồng tính mạnh mẽ nhất. Mọi việc thay đổi vào mùa hè sinh viên năm nhất, ba người bạn thân nhất của ông, tình cờ đều công khai họ là người đồng tính trong ba tháng liên tiếp. Điều này xé toạc tất cả những niềm tin mà ông từng có về đồng tính: đồi bại, tội lỗi, phi tự nhiên, trái đạo đức. Ông không biết làm gì. Và ông đã học cách lắng nghe, và lên tiếng.
Chúng ta đang nói về sự thay đổi. Hay rộng hơn, là sự hòa giải của tình yêu.
Sự thay đổi là khởi đầu, nhưng sự hòa giải mới thực sự sẽ làm đầy cuộc sống. Hòa giải luôn là một việc khó khăn, vì nó buộc người ta phải nhớ đến những điều tổn thương họ đã làm, những sự thiếu thông tin họ đã có. Mỗi bên, vốn luôn mâu thuẫn về niềm tin, lại phải đến bên nhau để cùng nghĩ tới những điều tốt đẹp của nhau.
Ở Việt Nam, một người mẹ tên Thủy có con là người đồng tính viết thư tâm sự, có đoạn: “56 tuổi rồi tôi mới hiểu được rằng, đồng tính không phải là bệnh, mà là một điều hoàn toàn tự nhiên. Tôi đã mất hơn 10 năm để hiểu con, để lại những tổn thương không thể hàn gắn. Nhưng giờ đây tôi đã có thể nói về con với tất cả mọi người, rằng tôi tự hào về nó.”
Nói về quá khứ không hề là một điều dễ dàng. Giây phút khi một người nói rằng “tôi đã từng không đồng ý”, giây phút đó, họ đã sống lại tất cả những niềm tin một thời từng khiến họ không chạm tới được trái tim của những con người mà họ không thực sự hiểu hết: người đồng tính là ai, tình yêu của họ như thế nào, tâm tư của họ là gì, mình thực sự có quyền gì quyết định cuộc sống của họ hay không?
Một khảo sát trên Washing Post và ABC News cho thấy 53% người khảo sát ủng hộ hôn nhân cùng giới, 39% phản đối và 8% chưa quyết định. Tuy nhiên đáng chú ý là 33% số người ủng hộ nói rằng họ đã từng phản đối nhưng đã thay đổi quan điểm. Và điều khiến họ thay đổi là nhờ những thông tin rõ ràng hơn mà họ có được về người đồng tính, cũng như nhờ chính những bạn bè, người thân là người đồng tính đã giúp họ có cái nhìn gần gũi, công bằng hơn về hôn nhân cùng giới.
“Tôi đã từng không đồng ý,” không có nghĩa là tôi ngày trước ích kỷ hay ngu ngốc, mà nó cho tôi biết rằng tôi đã tìm được con đường để hiểu hơn về người khác, và hiểu hơn về chính bản thân mình. Nếu không có “đã từng không đồng ý”, thì có lẽ tôi sẽ không thể cảm nhận hết được niềm tự hào và hãnh diện như thế nào khi cầm tấm bảng “tôi đồng ý” ngày hôm nay.
“Tôi,” dù là ngày trước hay bây giờ, cũng không hề đơn độc. Vẫn luôn có những người đã và đang chưa đồng ý người đồng tính được quyền kết hôn, giống như “tôi” ngày trước. Tuy nhiên điều đó lại cho phép chúng ta hy vọng ở sự thay đổi, như chính điều nhà báo Tạ Bích Loan muốn gửi gắm trong thông điệp ngắn gọn ấy. Việc nói “tôi đã từng không đồng ý” hóa ra còn đòi hỏi sự dũng cảm hơn gấp nhiều lần việc nói “tôi đồng ý.” Và luôn có một câu chuyện đáng được nghe sau mỗi lời nói: “Tôi đã từng không đồng ý.”
Comments
Post a Comment
Ai cũng có thể comment, dùng tài khoản Wordpress, Typepad, AIM... hay thậm chí chỉ cần để lại Name/URL của bạn. Nếu không thì comment ẩn danh (Anonymous) cũng được chào đón! ツ
Để nhận được thư báo khi có comment phản hồi, hãy nhấn Subscribe by email ở dưới khung comment. Để dừng việc hồi báo này, nhấn Unsubscribe ở cùng vị trí.