Hôn nhân cùng giới: Câu chuyện về bình đẳng


Hôn nhân là dành cho ai?

Một lập luận phổ biến là người đồng tính hoàn toàn có thể yêu thương nhau, sống với nhau mà không cần hôn nhân. Thực ra điều này cũng hoàn toàn đúng với những người dị tính, các cặp khác giới vẫn có thể sống với nhau mà không cần hôn nhân. Vậy tại sao họ vẫn muốn kết hôn, tại sao những người dị tính thì có quyền còn người đồng tính thì không, khi mà hai mối quan hệ đều dựa trên nền tảng là sự yêu thương, chia sẻ và cam kết? Nếu câu trả lời là “vì người dị tính duy trì nòi giống được” thì xin đọc lại bài viết "Câu chuyện về duy trì nòi giống".


Cuối cùng cũng chỉ là câu chuyện về sự bất bình đẳng. Đơn giản là một nhóm người cho rằng tôi có quyền kết hôn với người tôi yêu, còn anh thì không. Lý do bởi vì tôi cho rằng tôi bình thường, còn anh thì không. Đã có sự đánh tráo hai khái niệm: “số đông” với “bình thường”, và “số ít” với “bất thường.” Số người yêu người khác giới nhiều hơn không có nghĩa là người yêu người cùng giới là bất thường. Và pháp luật làm ra không phải phục vụ số đông hay tước đoạt quyền của số ít. Pháp luật là để bảo vệ tất cả mọi người. Cấm hôn nhân cùng giới cần phải được thừa nhận là hình thức phân biệt đối xử với người đồng tính.

Thay đổi pháp luật hay thay đổi xã hội trước?

Việc cho rằng nên để thái độ xã hội thay đổi trước khi thay đổi pháp luật là phiến diện. Không phải ngẫu nhiên nhiều trường đại học có môn học “Luật và Thay đổi Xã hội.” Kinh tế, giáo dục, khoa học vẫn sẽ phát triển nếu không có pháp luật. Kinh tế mua bán vật đổi vật không cần tới tiền, nhà băng vẫn có thể tồn tại, nhà nước không cần lập hệ thống giáo dục thì con người vẫn có thể tiếp thu học hỏi từ xung quanh. Cũng như xã hội chắc chắn cũng sẽ bình đẳng, tự do hơn một cách từ từ.

Tuy vậy, chúng ta cần nhớ rằng nhận thức xã hội luôn thay đổi cực kỳ chậm nếu không dùng pháp luật như một công cụ để thúc đẩy nó. Pháp luật định hình nên chuẩn mực hành vi xử sự của con người. Khi hôn nhân đa hôn ở Việt Nam bị cấm, xã hội đã thay đổi rất nhanh chóng chuẩn mực về số lượng phối ngẫu trong hôn nhân, họ hiểu rằng hôn nhân chỉ là giữa hai người.

Câu hỏi đặt ra là liệu hôn nhân phân biệt giới tính đã tới lúc hoàn thành sứ mệnh của mình chưa? Và nó sẽ để lại gì cho xã hội khi ra đi: sự tức giận và phản đối của những người vẫn xem hôn nhân là đặc quyền của người dị tính, hay liệu xã hội sẽ trở nên cởi mở hơn với người đồng tính? Nghiên cứu ở nhiều nước như Canada, Thụy Điển đều cho thấy tỷ lệ dân số ủng hộ hôn nhân cùng giới tăng nhanh lên rõ rệt từ sau khi nhà nước công nhận hôn nhân không phân biệt giới tính.

Vấn đề còn lại chỉ là chúng ta có thực sự muốn thừa nhận quyền hôn nhân bình đẳng này hay không. Việc cho rằng nên thay đổi nhận thức xã hội trước khi thừa nhận hôn nhân cùng giới chỉ là một cách trì hoãn hay lảng tránh câu hỏi về bình quyền. Thực tế xã hội và pháp luật luôn cần đi song song, sự thay đổi nào cũng sẽ góp phần thúc đẩy sự thay đổi kia.

Chỉ có điều chắc chắn là một ngày mà pháp luật còn chưa thừa nhận quyền bình đẳng yêu thương của tất cả mọi người, thì một ngày người đồng tính vẫn còn phải chịu kỳ thị và sống với niềm hạnh phúc quý giá nhưng không được thừa nhận của mình.

Comments