Thổ Nhĩ Kỳ: LGBT đứng giữa hai bờ Á - Âu

Tito ở Hà Nội

Tito là người Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), đất nước xuyên châu lục Á – Âu. Tito bắt đầu câu chuyện bằng việc kể về gia đình của mình. Ba bạn ấy chắc đã biết được bạn ấy là gay, nhưng ông không nói gì, bạn ấy cũng đi làm ở nhiều nơi, mỗi năm về một lần. Tito từng tiếp xúc với cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) ở nhiều nơi, các nước Tây Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc, Mông Cổ… và giờ là Việt Nam.


Về lý thuyết Turkey là một quốc gia dân chủ, nhưng thực tế cho thấy không hẳn như vậy. Chính phủ Turkey đang muốn gia nhập EU, điều này đòi hỏi phải cam kết một loạt vấn đề, trong đó nhân quyền, đặc biệt quyền LGBT là điều mà bên Ủy ban Nhân quyền Châu Âu rất quan tâm. Chính phủ luôn nói tạo mọi điều kiện cho các tổ chức phát triển, hứa hẹn nhiều thứ, luật không cấm gì, mặc dù cũng không bảo vệ gì.

Về người dân, bạn ấy kể nhiều người từ những tỉnh lẻ phải chạy lên Istanbul hoặc Ankara (thủ đô của Turkey) để sống. Một số người đồng tính bên nước láng giềng Iran cũng chạy trốn qua đây, chờ đi tị nạn ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ, vì Iran tử hình người đồng tính. Istanbul là một thành phố rất “gay”, nhiều quán bar, tụ tập, trò chuyện của cộng đồng.

Tuy vậy trong gia đình, đồng tính là một vấn đề cấm kỵ. Nhiều bậc phụ huynh hay bảo “Mày đồng tính, OK. Nhưng đừng gây chuyện, đừng đi rêu rao. Đừng có để hàng xóm biết, tao không biết sẽ nói chuyện với hàng xóm thế nào đây.” Nói tới đây mình cười lớn bảo sao y như Việt Nam vậy.

Tito bỗng hạ giọng. Bạn ấy bảo rằng nhiều gia đình theo đạo Hồi hoặc Chính thống giáo (Orthodox) khi biết con mình là người đồng tính, người bố có thể giết chết con mình, để gìn giữ thể hiện gia đình. Mỗi năm luôn có vài vụ như vậy…

Ở Istanbul cũng có Pride, dù không lớn lắm nhưng cũng lớn nhất Đông Âu. Năm 2003 chỉ có vài chục người tham gia, nhưng càng ngày càng đông hơn, và Turkey là quốc gia Hồi giáo đầu tiên có Pride. Mình hỏi Tito liệu rằng Pride tác động tới nhận thức người dân thế nào. Tito nói ở các nước Tây Âu, Bắc Mỹ, Pride bây giờ là hội hè, mang tính thương mại cao lắm rồi. Người tham gia cũng toàn là dị tính, thấy vui vẻ tiệc tùng màu sắc thì tới tham dự. Nhưng mục đích vận đồng quyền thì vẫn còn chút ít.

Ở Turkey thì nó vẫn còn mang tính vận động quyền nhiều, đấu tranh quyền lợi này nọ của chính người LGBT. Tito cũng nói bạn ấy cũng hay lo ngại Pride khắc sâu định kiến về LGBT, người dân cứ nghĩ tới LGBT là nhớ tới cái đám hay đi diễu hành ngoài đường. Nhưng nhìn chung Pride vẫn rất tốt, để cộng đồng trở nên tự tin công khai hơn, và xã hội quen dần hơn.

Ở Turkey cũng hơi giống nhiều nơi còn lại trên thế giới, phong trào quyền LGBT được lãnh đạo chủ yếu bởi nam giới đồng tính. Giới trẻ cũng cởi mở và chấp nhận hơn. Anh có biết vài người bạn Việt Nam, những người này cũng rất thoải mái với chủ đề LGBT.

Tito kể rằng đi nhiều nơi rồi nhưng bạn ấy thấy ở Turkey rất hay một điểm là các hội nhóm rất hay ủng hộ nhau: nhóm LGBT, nhóm nữ quyền, nhóm biến đổi khí hậu, nhóm bảo vệ động vật… Nếu một nhóm tổ chức sự kiện gì, lập tức toàn bộ các nhóm còn lại tới tham dự ủng hộ. Buổi chiếu phim về lesbian thì cũng đông đủ như thế, mà hội thảo môi trường thì cũng gặp lại nhau như thế.

Tổ chức LGBT đầu tiên của Turkey hoạt động năm 1994, KAOS GL, nơi Tito đang cộng tác. KAO GL chính thức có tư cách pháp lý năm 2005, nhiều cơ quan còn cáo buộc tổ chức này là "trái với thuần phong mỹ tục" để kêu gọi đóng cửa tổ chức, nhưng đều không thành công.

--

Tháng 7/2013

Lời tác giả: Sáu Sắc thêm một mục mới trên blog, "Bạn bè LGBT" để ghi nhanh về những cuộc gặp mà Sáu Sắc có dịp được trò chuyện với những người hoạt động trong phong trào quyền LGBT ở những quốc gia khác nhau trên thế giới. Vì là mục ghi nhanh nên có thể ghi thành bài, cũng có thể chỉ là vài gạch đầu dòng về cộng đồng LGBT ở nước đó. Hy vọng những thông tin khiêm tốn này có thể giúp chúng ta có cái nhìn vừa gần hơn và vừa xa hơn về cộng đồng LGBT ở khắp mọi nơi.

Comments