Người đồng tính Việt Nam đang thức tỉnh

Bài viết đã được đăng trên trang Diễn Ngôn:
http://www.dienngon.vn/Blog/Article/thuc-tinh-de-don-cau-vong
(Bài viết thân tặng Trung tâm ICS
và những người đã thổi lửa trong suốt những năm qua)




“Em vừa mới công khai với ba mẹ em là người đồng tính!”

Đó là câu nói tôi nghe không dưới 1 lần mỗi tháng, trong suốt gần hai năm qua. Thời gian đầu, tôi cảm thấy rất ngạc nhiên về sự dũng cảm của những người bạn trẻ này. Tôi nhớ lại chỉ khoảng 5 năm trước đây, hầu hết trường hợp là do gia đình phát hiện, không một người đồng tính nào lại chủ động đi công khai xu hướng tính dục của mình cả. Nhưng mọi chuyện đã thay đổi. Họ có kế hoạch để công khai, và họ dám thực hiện nó.

Điều gì đã xảy ra?

“Người đồng tính cũng có quyền như tất cả mọi người khác!”

Câu nói đó gần như tôi đọc được hàng ngày khi lướt trên các trang mạng xã hội cập nhật tin tức về LGBT (LGBT: viết tắt tiếng Anh của “người đồng tính, song tính và chuyển giới”). Câu nói đã trở thành như một lời tuyên ngôn luôn sẵn sàng để được cất lên. Ngày càng nhiều người nói về “quyền” và cảm nhận nó một cách gần gũi, sâu sắc hơn. Mà nếu lùi thời gian về vài năm trước thôi, chúng ta chỉ có thể nghe những câu dạng như “người đồng tính nên được xã hội chấp nhận và cảm thông.” Sự “ban phát” dành cho người đồng tính đã chuyển sang đòi hỏi về sự “công bằng” cho tất cả.

Điều gì đã xảy ra?

Có lẽ vì người đồng tính Việt Nam đang thức tỉnh. Trước hết là thức tỉnh trong chính cơn mê của mình. Đã một thời gian dài người đồng tính chìm sâu trong những kiến thức sai lệch về chính mình tràn lan trong xã hội, và tắm mình bằng chính những định kiến, kỳ thị. Một anh lớn tuổi nói với tôi “Thời đó, bọn anh không thể trả lời được chính mình, không biết gọi mình là gì. Cứ thế sống trong im lặng.” Rồi anh mơ màng nhớ về những buổi nằm ngủ trưa cùng “người thương” ở đống rơm khô trong làng, rất nhiều những câu chuyện tình lãng mạn khác, nhưng điểm chung là không hề có hồi kết, khi cả hai không biết mình là ai và đang làm gì. Đó cũng là lịch sử.

Internet vào Việt Nam thực sự là một bước ngoặt thay đổi sâu sắc đến từng người đồng tính.
Dẫu cho thông tin thời gian đầu vẫn còn rất nhiễu loạn, nhưng ít nhất họ biết rằng mình “tồn tại” và mình “bình thường.” Một sự thật tưởng như hiển nhiên mới được khám phá ra. Rồi những cộng đồng đồng tính trên internet xuất hiện từ khoảng những năm 2001, trở thành không gian an toàn và riêng tư để mọi người tìm hiểu và kết nối với nhau.

Có hiện diện thì sẽ có phản đối. Sự phản đối đồng tính thời gian đầu diễn ra không nhiều, nhưng vô cùng khắc nghiệt. Năm 2002, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội kêu gọi đưa đồng tính vào “tệ nạn xã hội.” Năm 2004, chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khi đó đã phát biểu về đồng tính là “tư tưởng nó bệnh hoạn, (...) dẫn đến hành động cũng bệnh hoạn” và “cần tập trung cho công tác tuyên truyền giáo dục hơn là luật hóa nó.

Rồi những tổ chức, hội nhóm đại diện cho người LGBT đi vào hoạt động trong thực tế, thể hiện một hình ảnh tích cực, tươi sáng và đầy tự hào. Nhiều người giật mình khi thấy người bạn thân thiết của mình là công khai người đồng tính, khi thấy người đồng nghiệp giỏi giang của mình công khai là người đồng tính, khi thấy người thân yêu trong gia đình mình công khai là người đồng tính. Họ sửng sốt, ngạc nhiên, tự vấn. “Đây là trào lưu hay là dịch bệnh?” Và rồi họ nhận ra đồng tính là một hiện thực của mọi lúc, mọi nơi.

Bây giờ, 11 năm sau lời kêu gọi xem đồng tính như tệ nạn xã hội, 9 năm sau đề nghị “giáo dục nam nữ thanh niên không nên đồng tính”, năm 2013, chắc một điều rằng hiện nay không một cán bộ, nhà khoa học nào có thể dám tự tin nói những lời tương tự như thế. Những người phản đối tự biết rằng ý kiến của mình là lạc hậu. Những người ủng hộ không sợ rằng ý kiến của mình là lập dị. Những tiêu chuẩn, giá trị mới được xác lập.

Không ai có thể ngờ trong vòng chỉ 1 thập kỷ, từ việc phủ bỏ, Việt Nam đã đưa chủ đề đồng tính lên bàn nghị sự, và thật sự thảo luận nghiêm túc về nó. Quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới được công nhận là quyền con người và cần phải bảo vệ bởi pháp luật. Vấn đề làm khó các nhà làm luật bây giờ chỉ là vấn đề cần một lộ trình và nâng cao nhận thức cho công chúng cho việc công nhận các quyền bình đẳng này.

Xã hội đã được lay tỉnh.

Người đồng tính không thể tiếp tục ngủ vùi trong “thiên thời, địa lợi” đó. Người đồng tính nhận ra mình chỉ có thể thanh thản khi mình thành thật. Thành thật làm cuộc sống đơn giản và rõ ràng hơn. Thành thật làm con người mạnh mẽ hơn. Việc giấu kín bí mật trong lòng không làm bất kỳ điều gì tốt lên.

Và rồi khi người đồng tính bước ra ánh sáng, những bí mật biến mất, họ trở thành người tự do, sống cuộc đời của chính mình. Công khai, sống thật trở thành tiêu chuẩn của người đồng tính hiện đại. Ngọn cờ cầu vồng đã cuốn đi những bóng tối, sợ hãi trong từng người, trở thành biểu tượng tự hào và đa dạng, dẫn dắt người LGBT trên con đường tìm kiếm sự bình đẳng cho tất cả mọi người.

Một linh cảm nào đó khiến tôi hay gọi 2012 là "Year One" (Năm Một), vì tôi tin nó thật sự là khởi đầu chính thức cho phong trào quyền LGBT tại Việt Nam. Từ đây, LGBT Việt Nam có một diện mạo mới: tự tin, tự hào, tài giỏi, khéo léo.

Không lâu nữa, khi nhìn lại khoảng thời gian trước đây, chắc hẳn chúng ta sẽ phải tự hỏi tại sao đã từng có thời mình phải ngồi im đầy sợ hãi trong bóng tối như vậy. Con đường đi ngập tràn ánh sáng, không phải bởi mặt trời, mà bởi chúng ta đã dám mở mắt ra để nhìn nó.

Comments

  1. Bạn ơi. có một số lỗi chính tả. mình chỉ nhắc thôi.hihihi
    Cảm ơn những bài viết bổ ích của bạn

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn bạn, nhưng mình vẫn không biết sai chỗ nào, có gì bạn chỉ ra dùm luôn hihi.

      Delete

Post a Comment

Ai cũng có thể comment, dùng tài khoản Wordpress, Typepad, AIM... hay thậm chí chỉ cần để lại Name/URL của bạn. Nếu không thì comment ẩn danh (Anonymous) cũng được chào đón! ツ

Để nhận được thư báo khi có comment phản hồi, hãy nhấn Subscribe by email ở dưới khung comment. Để dừng việc hồi báo này, nhấn Unsubscribe ở cùng vị trí.