Bắt đầu những ngày còn xa


Học luật với nó là một lựa chọn. Làm về GLBT thì lại là một sự phát triển của sở thích. Còn đi vận động bảo vệ quyền LGBT thì đúng là một điều nó chưa bao giờ nghĩ đến.

Lần đầu tiên tham gia một hội nghị nhân quyền vào tháng 9/2011, nó là đứa duy nhất (và non nhất) đại diện cho quyền LGBT trong tất cả đại biểu. Ở Hội thảo còn có một người Việt Nam khác đại diện cho quyền phụ nữ. Nhưng khi nó nói chuyện với bà, một giáo sư tiến sĩ chủ tịch các kiểu, nó chỉ nghe những câu như: "Cái này mới có gần đây. Bây giờ chấp nhận cũng được vì bùng nổ dân số, nhưng về lâu dài thì ảnh hưởng tới nòi giống..."

Nhưng cuối cùng những người bạn khác trong hội thảo đã ủng hộ nó, nhóm của nó chọn LGBT làm chủ đề chung cho cả nhóm. Đến phần trình bày nó nhờ chị trưởng nhóm nói hộ, vì cả tiếng Anh lẫn sự tự tin. Nhưng cả nhóm đã nói rằng đây chính là công việc của nó, đây là tiếng nói của nó. Nó đã nói, dù vấp váp, nhưng được mọi người động viên rất nhiều sau đó.

Phút cuối cùng của Hội thảo, sau khi đắn đo, nó mon men chạy lại gần vị đại diện Cao Ủy Nhân Quyền LHP tại Đông Nam Á. Nó nói rằng sau 3 ngày học, nó vẫn không tìm ra công cụ nào để bảo vệ quyền LGBT cả. Ông đã trả lời rất vội: Hãy sử dụng UPR, Việt Nam có thể không ký thứ khác, nhưng chắc chắn Việt Nam sẽ phải thực hiện UPR.

Nó đi về chỉ với 3 chữ cái trong đầu: UPR.

Lần thứ 2 nó nghe lại về UPR là ngay chính ở Việt Nam, trong hội thảo về quyền phụ nữ, ở đây là phụ nữ lesbian. Nó lại có thêm một chút kiến thức. Và nó biết có người trong hội thảo trực tiếp tham gia vào UPR của Việt Nam. Nó biết rằng hóa ra dù là cá nhân, cũng có thể mời không chính thức báo cáo viên đặc biệt của LHQ tới Việt Nam. Tất cả chỉ cần vài cú click chuột và những lời nói thuyết phục. Hóa ra tiếp cận công lý không phải là không thể.

Lần thứ 3 nó tham gia hẳn tập huấn về viết báo cáo UPR. Nó lại là người duy nhất làm về quyền LGBT. Không thể tham gia đầy đủ, chị điều hành nói với nó rằng: Không có em, mọi người ít quan tâm tới LGBT, em cố gắng nói để mọi người quan tâm hơn. Cuối cùng khi cả lớp chọn các lĩnh vực trong báo cáo, LGBT đã được ghi lên bảng. Sau đó nó còn lén quẹt thêm chữ I sau đó nữa.

Nó tranh thủ phát biểu thật ngắn gọn nhưng đầy đủ về những quyền LGBT hiện tại không được bảo đảm hoặc thừa nhận. Nhưng khi nó đang nói thì anh phiên dịch nhắc nó "Em không cần nói sâu quá đâu." Khi nó phát biểu nhóm phụ nữ cũng có thể xếp vào chung nhóm dễ tổn thương với dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người có H, người LGBTI, một chị đứng lên phát biểu "xếp vào nhóm dễ tổn thương là hạ thấp phụ nữ" và kiên quyết xếp vào nhóm "quản trị và tham gia" hoặc tách riêng ra một chủ đề lớn vì cho rằng phụ nữ bao trùm mọi vấn đề.

Nó thầm nghĩ, nó cũng không thích từ "dễ tổn thương", nhưng chẳng lẽ xếp chung với nhóm LGBTI là hạ thấp phụ nữ sao? Cuối giờ, khi đăng ký vào nhóm, nó tự đổi tên thành "nhóm bị kỳ thị" thay cho "nhóm dễ tổn thương."

Rất nhiều lần đứng nói chuyện với một số người được cho là cấp tiến, nó vẫn thấy sự e dè khi họ phải nhắc tới LGBT. Luôn thể hiện sự cởi mở của mình, nhưng trong lời nói có quá nhiều từ "nhưng." Nó thầm nghĩ, bị kì thị trong chính những người bị kì thị và những người chiến đấu xóa bỏ kì thị, có lẽ là tình huống tréo nghoeo nhất.

Thật ra UPR hay một cái gì to tát hơn nữa thì cũng chẳng thể là lời giải cho tất cả. Chặng đường thì còn dài, nhưng nó nghĩ rằng ngày còn xa đó chỉ có thể tới nếu chúng ta bắt đầu ngay từ hôm nay. Và vẫn có rất nhiều người bạn bè, anh chị, luôn ủng hộ cho cộng đồng LGBT để đạt được những điều bình thường nhất mà mọi người đang có.

Comments

  1. Quyền lợi người đồng tính trong những năm gần đây bùng nổ và trở thành một trong những tiêu điểm chính trong quyền con người. Dường như ở một số nơi, nó trở thành thước đo tiêu chuẩn của một người cởi mở, tiến bộ và có kiến thức. Cuộc đấu tranh đang dần dịch về phía mà bên chống đối trở thành bên bảo thủ. Mình tin rằng về diện rộng, vấn đề quyền LGBT sẽ được đảm bảo ở một mức độ nhất định.

    Nhưng vốn dĩ sự đa dạng, luôn luôn, bị kỳ thị. Nên cuộc đấu tranh này sẽ không bao giờ kết thúc. Tuy nhiên, cuối cùng, công lý luôn thuộc về kẻ đúng, chứ không phải kẻ mạnh, và người bảo vệ công lý, dĩ nhiên, là những siêu nhân.

    :)

    ReplyDelete

Post a Comment

Ai cũng có thể comment, dùng tài khoản Wordpress, Typepad, AIM... hay thậm chí chỉ cần để lại Name/URL của bạn. Nếu không thì comment ẩn danh (Anonymous) cũng được chào đón! ツ

Để nhận được thư báo khi có comment phản hồi, hãy nhấn Subscribe by email ở dưới khung comment. Để dừng việc hồi báo này, nhấn Unsubscribe ở cùng vị trí.