Kết hôn thì khác gì chung sống với nhau?

Một trong những lập luận, thắc mắc thường nghe nhất của chính nhiều người đồng tính là liệu nếu họ được phép kết hôn thì có hơn gì việc chung sống với nhau thôi hay không. Câu trả lời thường nghe đó là “có ý nghĩa về mặt tinh thần” và phần lớn người đồng tính vẫn nghĩ việc cho phép kết hôn không mang lại nhiều lợi ích thiết thực lắm. Vậy bạn liệu có bao giờ nghĩ tới những trường hợp:
  • Người bạn đời của bạn vào bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, cần một người thân có thể đại diện để ký vào giấy đồng ký phẫu thuật. Nhưng lúc này chỉ có bạn ở bên cạnh, và bạn không có quyền để ký vào tờ giấy đó?
  • Tài sản do hai người cùng làm ra nhưng chỉ một người có quyền hợp pháp với tài sản đó?
  • Bạn đời của bạn đột ngột qua đời mà không có di chúc, và hai bạn trở thành hai người xa lạ, không hề có quyền thừa kế bất kỳ tài sản nào của nhau?
  • Hai bạn nhận con nuôi nhưng chỉ có một người là cha/mẹ hợp pháp của đứa con. Bạn hoàn toàn không có quyền gì với đứa trẻ. Đứa trẻ cũng không được hưởng quyền lợi gì từ bạn?
  • Mối quan hệ giữa hai bạn chấm dứt sau nhiều năm chung sống và có chung nhiều tài sản; và hai bạn không thể thống nhất phân chia tài sản được và tòa án cũng từ chối giải quyết?
  • Bạn có người yêu xa ở Canda, hay một bang của Mỹ, Úc nơi mà pháp luật cho phép hôn nhân cùng giới, tuy vậy hai bạn vẫn không tài nào kết hôn hợp pháp được?
  • Và nhiều nhiều trường hợp khác…

Để trả lời một cách trực tiếp nhất cho câu hỏi này, 6SAC xin tổng hợp lại một số quyền lợi, và nghĩa vụ, mà pháp luật đang cho phép những cặp kết hôn khác giới được hưởng. Đồng nghĩa nếu pháp luật công nhận hôn nhân bình đẳng không phân biệt giới tính thì những người đồng tính cũng sẽ được hưởng những quyền lợi và nghĩa vụ này. (Cập nhật theo pháp luật Việt Nam tới tháng 10/2012)


* Dưới đây sẽ dùng thuật ngữ “phối ngẫu” (spouse) để chỉ về một trong hai người của một cặp trong hôn nhân. Những chỗ in đậm là những quyền đặc biệt 6SAC gợi ý áp dụng cho hôn nhân cùng giới.

--

A – Quan hệ giữa hai phối ngẫu
  • Quyền đại diện cho nhau:
    • Có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt các giao dịch.
    • Quyền đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
  • Quyền tài sản chung của phối ngẫu:
    • Quyền đối với các tài sản do phối ngẫu tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của phối ngẫu trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà phối ngẫu được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác do thỏa thuận.
    • Quyền sử dụng đất mà hai phối ngẫu có được sau khi kết hôn.
    • Quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
  • Quyền thừa kế tài sản giữa hai phối ngẫu:
    • Quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật về thừa kế.
    • Quản lý tài sản chung của phối ngẫu khi một bên chết.
B – Quan hệ giữa phối ngẫu và con
  • Quyền đại diện cho con: Khi con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
  • Quyền quản lý tài sản riêng của con dưới mười lăm tuổi.
  • Quyền định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên.
C – Cấp dưỡng
  • Nghĩa vụ cấp dưỡng khi ly hôn, một phối ngẫu không trực tiếp nuôi con chưa thành niên.
  • Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa hai phối ngẫu khi ly hôn mà một bên khó khăn, túng thiếu.
D – Xác định cha, mẹ, con
  • Quyền được xác định là cha, mẹ của con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc; trước thời kỳ hôn nhân và được hai phối ngẫu công nhận là con.
  • Quyền được nhận là cha, mẹ trong trường hợp cha hoặc mẹ đã chết; quyền được nhận là cha hoặc mẹ mà không cần sự đồng ý của người còn lại.
  • Quyền được nhận cả hai cha hoặc hai mẹ và hoàn toàn bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, không phân biệt là cha mẹ sinh học hay cha mẹ nuôi.
E – Con nuôi
  • Quyền cùng nhận nuôi con nuôi của hai phối ngẫu: Một người có thể làm con nuôi của của cả hai phối ngẫu.
  • Con đẻ của một phối ngẫu cũng có quyền lợi và nghĩa vụ với phối ngẫu còn lại như với cha hoặc mẹ đẻ của mình.
  • Quyền thay đổi họ tên của con nuôi.
F – Quyền giám hộ giữa các thành viên trong gia đình G – Ly hôn
  • Quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.
  • Quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn.
  • Quyền thăm nom con sau khi ly hôn.
  • Quyền chia tài sản khi ly hôn:
    • Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.
    • Tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc của pháp luật.
    • Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của phối ngẫu do phối ngẫu thỏa thuận.
  • Quyền chia tài sản trong trường hợp phối ngẫu sống chung với gia đình mà ly hôn.
  • Chia quyền sử dụng đất của vợ, chồng khi ly hôn.
  • Chia nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng.
  • Phối ngẫu ly hôn trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của một bên: nhà ở đó vẫn thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà, nhưng phải thanh toán cho bên kia một phần giá trị nhà, căn cứ vào công sức bảo dưỡng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa nhà.
H - Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài
  • Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.
    • Người nước ngoài tại Việt Nam được hưởng các quyền và có nghĩa vụ như công dân Việt Nam.
    • Công dân Việt Nam ở nước ngoài trong quan hệ hôn nhân và gia đình được bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp phù hợp với pháp luật Việt Nam.
  • Kết hôn có yếu tố nước ngoài: Xác lập quan hệ hôn nhân hợp pháp giữa công dân Việt Nam và công dân tại nước cũng hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới.
  • Ly hôn có yếu tố nước ngoài.
  • Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
  • Giám hộ trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài
 --

Trên đây chỉ là những tổng hợp rất ban đầu mang tính gợi mở về các quyền và nghĩa vụ mà một cặp cùng giới có thể được hưởng như cặp khác giới khi hôn nhân bình đẳng được hợp pháp hóa. Thực tiễn ngay ở Việt Nam đã cho thấy những quyền lợi này là hết sức gần gũi và thiết thực chứ không hề mang tính hình thức. Và với nhiều cặp đã và đang sống chung với nhau, họ bắt đầu cảm nhận được việc được pháp luật công nhận trở thành một “nhu cầu thực tế” chứ không đơn thuần là “ý nghĩa tinh thần” nữa.


Xin hãy đưa link tới bài viết này nếu bạn dẫn lại, vì bài viết sẽ được cập nhật mới liên tục trong thời gian tới.

Comments