Làm sao để biết một người là người đồng tính?

Cũng như làm thế nào để biết một người là người dị tính, song tính?

 ‘Đồng tính’, ‘dị tính’, ‘song tính’ có nghĩa là gì?

Khái niệm ‘đồng tính’ ngày nay không chỉ đơn thuần về mặt tình dục. Nó được dùng lần đầu bởi các nhà khoa học cuối thế kỷ 19 để nói về sự hấp dẫn đồng giới và hành vi tình dục, với ý nghĩa tiêu cực là một rối loạn tâm lý và thiếu đạo đức. (1) Sau đó, những người ‘đồng tính’ đã dùng khái niệm bớt nặng nề và tiêu cực hơn là ‘gay’ để gọi về mình, bao gồm cả nam và nữ, nhưng sau này đã dần dần dành riêng cho đồng tính nam. (2)

Tới thập niên 60 thế kỷ 20, ‘gay’ được dùng với ý nghĩa không còn tiêu cực và bắt đầu gắn với niềm tự hào về bản thân. Khái niệm ‘lesbian’ cũng được sử dụng riêng cho nữ giới, biến thể từ ‘Lesbos’, tên một hòn đảo Hy Lạp nơi nhà thơ đồng tính nữ Sappho sống vào thời cổ đại. (3)Thẳng’ là một khái niệm chỉ người dị tính, vốn trước đây hay gọi là ‘người bình thường’ vì thực ra đồng tính hay dị tính thì đều là người bình thường.

Chọn từ đúng

Việc chọn nên dùng từ nào có thể rất rắc rối. Nếu một người nói về mình, họ có thể lo lắng về những phản ứng của người khác với nhận dạng của mình. Nếu một người nói về người khác, họ cũng có thể lo lắng về việc nói sai hay gây xúc phạm.

Những từ ‘đồng tính’, ‘dị tính’ có thể tạo cảm giác ‘khoa học’ hay ‘hàn lâm’ quá. Nhưng nó cũng hữu ích khi cần nói một cách khách quan hay trung tính. Nhiều người thích dùng từ ‘cong’ hoặc ‘thẳng’ nhưng cũng lại sợ nó mang ý nghĩa kì thị nào đó.

Dựa vào đâu để định nghĩa đồng tính?


Mặc dù nghe qua sẽ thấy đơn giản, nhưng phân tích sâu hơn sẽ thấy định nghĩa của đồng tính phức tạp hơn ta tưởng. Thông thường có 3 tiêu chuẩn để xác định:
  1. cảm xúc tình dục với người cùng giới;
  2. hành vi tình dục với người cùng giới; và
  3. Tự nhận dạng mình là người đồng tính.
Tại sao không có tình yêu? Rất khó để gọi là bạn có yêu ai đó không. Cảm xúc tình dục thì khái quát hơn. Cảm xúc tình dục ở đây được hiểu theo nghĩa rộng là những cảm xúc làm bạn muốn gần hơn với người mà bạn cảm thấy hấp dẫn. Cảm xúc tình dục không chỉ là muốn được quan hệ tình dục. Biểu hiện của nó có thể là: muốn được bên người đó, muốn nói cho người đó biết bạn thích họ, muốn nắm tay, muốn ôm hôn, hoặc muốn trở thành một phần của nhau – quan hệ tình dục.

Ba yếu tố này tạo nên xu hướng tính dục của con người (đồng tính, song tính, dị tính). Có thể hình ảnh hóa lên thành ba vòng tròn cảm xúc tình dục, hành vi tình dục và nhận dạng; ở đó mỗi cá nhân sẽ có những hình thái rất khác nhau.

Quan hệ giữa cảm xúc và hành vi

Hai sơ đồ dưới đây đại diện cho hai người trong tình huống khác nhau. Sơ đồ bên trái thể hiện một người có cảm xúc và hành vi trùng nhau một phần. Người này có thể có có cảm xúc với người cùng giới, nhưng lại không có hành vi tình dục với người cùng giới (phần hoàn toàn màu tím). Tương tự, họ có thể có hành vi quan hệ tình dục đồng giới, nhưng cảm xúc hấp dẫn lại dành cho người khác giới (phần hoàn toàn màu xanh).

Sơ đồ bên phải đại diện cho một người mà cảm xúc và hành vi của họ đi cùng nhau, và họ chỉ có hành vi với những người mà họ có cảm xúc mà thôi. Tất cả những trường hợp này đều hợp lý và có thể xảy ra ở bất kỳ ai.



Quan hệ giữa cảm xúc và nhận dạng

Trường hợp tiếp theo đại diện cho hai sơ đồ dưới đây. Sơ đồ thứ nhất biểu trưng cho một người bị hấp dẫn bởi người cùng giới, nhưng lại không nhận dạng họ là người đồng tính (phần màu hoàn toàn màu tím)  hoặc có nhận dạng không giống với cảm xúc (ví dụ như có cảm xúc với cả hai giới nhưng chỉ nhận là đồng tính hoặc dị tính). Sơ đồ thứ hai là khi cảm xúc và nhận dạng của họ là thống nhất với nhau.



Những sơ đồ này cũng áp dụng cho các xu hướng tính dục khác như dị tính hay song tính. Chẳng hạn một người có thể có cảm xúc với cả hai giới, nhưng chỉ có hành vi tình dục với người cùng giới, và lại nhận mình là người dị tính. Điều này là hoàn toàn có thể, vì cảm xúccái bạn nghĩ, hành vi cái bạn làm, và nhận dạng lại là cái bạn nói ra. Chúng có thể thống nhất, có thể không, phụ thuộc vào cả hiểu biết về bản thân, hoàn cảnh sống, sức ép, hoặc mục đích cá nhân. Mỗi người có quyền đặt ra cho mình bất cứ sự kết hợp nào.

Điều cần ghi nhớ ghi xác định đồng tính, song tính hay dị tính là:
  • Cảm xúc, hành vi và nhận dạng là ba yếu tố của xu hướng tính dục. Thông thường chúng đi cùng nhau một cách phù hợp. Nói nôm na, bạn thường làm những gì bạn có hứng thú.
  • Dù vậy, hành vi và nhận dạng có thể dịch chuyển theo thời gian và chúng có thể không khớp với nhau. Ví dụ: Một người nhận mình là dị tính có thể về sau này bắt đầu khám phá ra mình còn có cảm xúc với người cùng giới, nhưng hành vi thì vẫn dừng lại ở người khác giới, do cảm thấy cuộc sống mình đã ổn định chẳng hạn. Trong trường hợp người đó tiến tới hành vi tình dục với người cùng giới, không có nghĩa người đó đã bị “bẻ” hay “trở thành” người đồng tính. Đơn giản là họ đã khám phá ra những cảm xúc khác của bản thân.
  • Việc “gắn nhãn” cho bản thân hay người khác không phải là cách tốt nhất để mô tả về một người. Trong một giai đoạn cuộc đời có thể cảm xúc và hành vi của họ rất rõ ràng là đồng tính hay dị tính. Nhưng việc gắn nhãn cố định vào bản thân không thể phù hợp với hành vi và cảm xúc ở mỗi người ở tất cả các giai đoạn, hoàn cảnh.
Những chiếc nhãn, cần thiết hay không?

Việc chăm chăm tranh luận phân định đồng tính, dị tính hay song tính tạo ra một số niềm tin rằng đồng tính hoặc dị tính sẽ gắn chính xác với một điều gì đó, ví dụ:
  • Cho rằng một số sở thích và công việc phù hợp hơn với người dị tính và một số sở thích, công việc khác dành riêng cho người đồng tính. Ví dụ: thể thao vs. nghệ thuật.
  • Cho rằng trong một cặp đôi gay hay lesbian thì sẽ có một người đóng vai nam và một người đóng vai nữ.
  • Cho rằng gay và lesbian có thể xác định bằng cách họ nói chuyện hoặc bề ngoài.
Những điều này mang lại sự quy chụp ngấm ngầm về việc đồng tính là như thế nào. Những “định khuôn” về đồng tính và dị tính và sự ngăn cách giữa chúng có thể được thấy rõ khi bạn phải trả lời những câu hỏi đại loại:
  • “Một cặp đồng tính yêu nhau có giống như người dị tính yêu nhau hay không?”
  • “Người đồng tính có thể trở thành người dị tính được không?”
  • “Nếu một người nhận mình là dị tính mà lại quan hệ với người cùng giới thì họ là đồng tính, dị tính hay song tính?”
Lời kết

Nếu đã đọc đến đây mà bạn vẫn chưa trả lời được “Làm thế nào để biết một người là đồng tính?” thì câu trả lời ngắn sẽ là “Hỏi người đó!” vì chỉ có người đó mới biết rõ nhất họ đang có cảm xúc với ai, có hành vi với ai và tự nhận mình là ai!

Con người tạo ra “những chiếc nhãn.” Nhưng đừng để những chiếc nhãn đó định nghĩa lại con người bạn.

(1): http://plato.stanford.edu/entries/homosexuality
(2): http://archive.glaad.org/media/guide/offensive.php
(3): http://books.google.com.vn/books?id=ArVw53LH-04C&source=gbs_navlinks_s&redir_esc=y 

Comments

  1. Oh. Thanks H. K hiểu một phần về homo rồi.

    ReplyDelete
  2. Nếu chúng ta hiểu được những bài viết thế này thì quá tuyệt vời. Tiếc là dường như hiện nay, VN ta đang thiếu hiểu biết và đang đùa cợt với giới tính của mình quá nhiều.

    ReplyDelete
  3. Mong là những kiến thức thật bổ ích như vầy sẽ được truyền bá rộng rãi tại Việt Nam

    ReplyDelete

Post a Comment

Ai cũng có thể comment, dùng tài khoản Wordpress, Typepad, AIM... hay thậm chí chỉ cần để lại Name/URL của bạn. Nếu không thì comment ẩn danh (Anonymous) cũng được chào đón! ツ

Để nhận được thư báo khi có comment phản hồi, hãy nhấn Subscribe by email ở dưới khung comment. Để dừng việc hồi báo này, nhấn Unsubscribe ở cùng vị trí.