Nước Mỹ trong làn sóng mới về quyền LGBT

Nước Mỹ gần đây liên tục có những quyết sách mới mang tính cổ vũ mạnh mẽ cho quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT: lesbian, gay, bisexual, transgender) như bãi bỏ chính sách “[K]hông hỏi, đừng nói,” hợp pháp hóa hôn nhân và chung sống đồng giới tại một số bang, tăng cường hỗ trợ các tổ chức LBGT trên thế giới. Động lực nào khiến Mỹ trở nên quan tâm hơn vấn đề này, và nó có ảnh hưởng gì tới phong trào quyền LGBT trên toàn thế giới?



Những bước đi đầu tiên

Theo một nghiên cứu gần đây của Cao ủy Liên hiệp quốc về Nhân quyền, người dân trên toàn thế giới vẫn đang bị xâm phạm và phân biệt đối xử vì xu hướng tính dục và bản dạng giới của mình. Đồng tính bị xem là tội phạm tại 76 quốc gia và bị trừng phạt bằng tử hình ở ít nhất năm quốc gia.

Mới đây, Hoa Kì đã có bước đi quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này trên phạm vi quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Cliton đã có một bài phát biểu mang tính lịch sử với ngôn ngữ mạnh mẽ hiếm thấy. Cliton cũng trở thành ngoại trưởng đầu tiên đưa việc bảo vệ quyền của người đồng tính lên thành một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao toàn cầu của Hoa Kì. (Toàn văn bài phát biểu: Tiếng Anh)

Vào ngày 6/12/2011 tại Geneva Thụy Sĩ, bà Clinton đã gọi vấn đề quyền của người LGBT là “một trong những thách thức còn lại về nhân quyền trong thời đại của chúng ta.” Vừa quả quyết và cũng rất thận trọng, bà nhấn mạnh rằng trong lúc thực thi những thay đổi, cũng phải nhận thức rằng những quan điểm chỉ có thể trở nên mềm dẻo hơn thông việc tôn trọng đối thoại giữa các quốc gia.

Ủng hộ và Bảo hộ

Khởi xướng của bà Clinton ra đời cùng lúc với bản ghi nhớ của Tổng thống Barrack Obama chỉ đạo tất cả các cơ quan, ban ngành của Mỹ đang hoạt động tại nước ngoài phải ủng hộ và bảo hộ cho quyền của LGBT ngay tại quốc gia đó. Một ngân quỹ ít nhất 3 triệu đô-la được lập ra để hỗ trợ cho những nhóm địa phương làm về vấn đề này.

Có thể suy đoán rằng, chính bà Clinton là người đang cầm lái đằng sau những động thái này. Bà thông báo sẽ không đảm nhiệm cương vị Ngoại trưởng trong nhiệm kì mới của Obama nếu ông tái đắc cử, vì vậy trong thời gian còn lại bà đang rất thiết tha để lại “di sản” bằng những khởi xướng mang tính đột phá có tính chất lâu dài.

Bà cũng lưu ý, việc khơi ra cuộc đấu tranh có thể khiến cho những khó khăn xuất hiện nhiều hơn. Chẳng hạn, chính quyền các nước châu Phi đang cáo buộc đồng tính là sản phẩm du nhập từ phương Tây và cần phải loại trừ ra khỏi đất nước họ có thể chộp lấy khởi xướng của Mỹ như một bằng chứng.

Để giảm nguy cơ đó, Mỹ đã liên kết lại tất cả những nỗ lực có thể với những nước phi Tây phương thân thiện với vấn đề đồng tính như Nhật Bản, Brazil, Argentina, Uruguay và Nam Phi. Bộ Ngoại giao Mỹ đang chuẩn bị một bộ công cụ hướng dẫn cho các nhân viên đại sứ quán. Song song đó sẽ tiến hành xây dựng mối quan hệ với các tổ chức, nhóm tại địa phương để tìm kiếm lời khuyên trước, vì họ sẽ là những người đánh giá tốt nhất tình hình của quốc gia mình và giảm thiểu những rủi ro, xung đột nếu có.

Nhỏ nhưng có ý nghĩa


Khoản tiền 3 triệu đôla ban đầu dành để hỗ trợ các nhóm hoạt động về LGBT là không lớn nhưng lại có ý nghĩa. Những dự án tập trung vào việc củng cố hệ thống lập pháp, các chiến dịch dài hơi, tập huấn nhạy cảm cho cảnh sát, đối thoại giữa những chức sắc tôn giáo ủng hộ và phản đối đồng tính.

Các đại diện của Hoa Kì cũng sẽ tận dụng lợi thế phát ngôn của mình. Ví dụ vào năm 2010, tại Albania đã diễn ra phản đối dữ dội khi một thanh niên công khai trên show truyền hình thực tế về xu hướng tính dục của mình. Đại sứ Mỹ khi đó đã xoa dịu tình hình bằng cách lên tiếng ủng hộ thanh niên kia trên TV. Điều này là thích hợp tại Albania, nơi mà sự kì thị đồng tính rất mạnh mẽ nhưng tiếng nói của Mỹ cũng rất có trọng lượng.

Từ năm 1970, chính sách ngoại giao nhân quyền của Mỹ bắt đầu khởi động, và việc ủng hộ quyền đồng tính gần đây là một nét mới của chính sách này. Mới đây, chính sách “[K]hông hỏi, đừng nói” của quân đội Hoa Kì bị bãi bỏ và lệnh của Bộ Tư pháp yêu cầu ngừng việc cấm đoán hôn nhân đồng tính trên phạm vi liên bang. Mỹ đang muốn nhấn mạnh thông điệp rằng đất nước của họ đang tiến bước trên con đường công bằng cho tất cả mọi công dân. Trong tinh thần đó, khởi xướng của Clinton rất được khen ngợi.

Mỹ chưa bao giờ là nước đi đầu về quyền của người LGBT. Bản thân bà Clinton cũng phát biểu, nước Mỹ “còn rất xa cái đích của hoàn hảo” khi pháp luật chưa thống nhất trong toàn liên bang, nhiều công dân hàng ngày vẫn phải đang đối mặt với nạn bạo hành, kì thị. Nhưng nắm bắt được xu thế chung của nhân quyền đang tập trung vào vấn đề LGBT, Mỹ đã chú tâm hơn để đầu tư vào phong trào này. Có người từng nhận định nếu thế kỷ 20 là thể kỷ cho nữ quyền, thì thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ quyền của người LGBT. Việc Mỹ gia nhập vào đội ngũ những quốc gia ủng hộ LGBT sẽ có ý nghĩa lớn trong việc khiến mỗi quốc gia cũng sẽ cân nhắc hơn để nhìn nhận vấn đề này.

Và cùng đón chờ những làn sóng mới trên mọi mặt đời sống khác. Quyền LGBT đang trở thành một xu thế thời đại thực sự.

* Xem thêm: Video tóm tắt ý kiến của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, "Quyền đồng tính là quyền con người."

Dịch và biên soạn từ: http://www.bloomberg.com/news/2012-01-16/u-s-carries-king-s-spirit-with-an-international-push-for-gay-rights-view.html 
 

Comments