Góp tiếng nói - Thêm động lực


Từ lúc mới biết tới khái niệm "homophobia", tôi đã thử đối chiếu với xã hội Việt Nam lúc đó, và vui mừng khi nhận thấy rằng, ít ra ở đây, chúng ta không có những con người "điên cuồng chống phá", xem đồng tính là cái gai cần phải loại bỏ tức khắc. Chúng ta có sự phân biệt, chúng ta có sự kì thị, nhưng không, người dân Việt Nam hiền hòa thân ái không bao giờ có tư tưởng bài xích, loại bỏ đồng loại, đồng bào, hay đúng hơn nữa là đồng môn, đồng nghiệp, đồng chí của họ trong cuộc sống hằng ngày.

Nhưng đó là chuyện trước kia. Hóa ra, một khi thông tin ngày càng được dân chủ hóa, thì cùng với những nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng người đồng tính nhằm đưa thông tin đúng đắn và tích cực tới mọi người, vẫn có một bộ phận nghĩ rằng việc con người yêu thương nhau là tội lỗi, và sự đa dạng về tính dục của con người là sai trái, một điều đáng hổ thẹn.

Nó gợi nhớ tôi về câu nói của nhân vật chính trong bộ phim truyền hình ngày xưa (đã quên tên), "người ta hay ghê sợ những gì khác với mình." Sự ghê sợ đến từ tình trạng thiếu hiểu biết, kết hợp với đầu óc thiếu cảm thông, thủ cựu.

Sau rất nhiều bài "phóng sự điều tra", "tâm lí xã hội" về vấn đề đồng tính của các báo liên tục trong những năm qua, cho đến khi tôi đọc bài báo này của Vũ Duy Thông, tôi đành thở dài, "homophobia đã 'tới' Việt Nam rồi."

Phải, nội dung chính bài viết trên không phải về "tình yêu đồng tính," như tác giả đã khẳng định, mà là về "trào lưu văn học khai thác tràn lan đề tài này." Nhưng chỉ trong 2 đoạn đầu ngắn ngủi thoáng qua của bài viết thôi, tôi chợt cảm thấy rợn cả người bởi một giọng điệu hậm hực, tức tối, pha chút dọa dẫm và như có cả một nỗi thù hằn trong đó.

Nhưng sau khi đọc đi đọc lại, ngẫm nghĩ nhiều lần, tôi lại cảm thấy nhẹ lòng đôi chút, khi nhận thấy thực ra tác giả không phải là có những chủ đích công kích người đồng tính, mà chẳng qua chính là sự thiếu vắng thiếu kiến thức đã làm người viết có những lời lẽ như vậy. Tiếp nhận thông tin một cách lệch lạc và truyền đạt thông tin một cách thiếu chuyên nghiệp đã dẫn tới những nhận thức sai lầm một cách có hệ thống, thể hiện trong từng luận điểm của bài viết. Những sai lầm này trầm kha và có hệ thống đến mức độ mà tôi nghĩ rằng khó có thể ngày một ngày hai làm cho tác giả hiểu được. Nên thay vì viết bài phản hồi cho tác giả, tôi không làm gì cả.

Tôi tự hỏi liệu đây là quy luật? Khi trong xã hội ta luôn phải chấp nhận sự bất đồng thuận, phải chấp nhận rằng luôn có những ý kiến trái ngược hẳn với ta. Đa nguyên là một điều tất yếu. (tất nhiên tôi không đề cập đến đa nguyên trong chính trị) Niềm tin là một điều thiêng liêng và tối quan trọng với mỗi người. Và nếu đặt mình vào vị trí là người có niềm tin bị xâm phạm, ta mới hiểu được phản ứng của họ là điều dễ hiểu. Tôi nói "đồng tính là tự nhiên, đó là niềm tin của tôi." Thì sẽ có người không chia sẻ chung niềm tin như vậy, "đồng tính là không tự nhiên, tôi tin như vậy anh bạn ạ." Trong xã hội, phải chấp nhận (tức là nhận, mà không chấp, jk) những người như vậy.

Điều quan trọng, chúng ta nên nói ra những gì chúng ta tin tưởng, đó là điều tốt và nên làm. Không nói ra thì không biết được chúng ta đang nghĩ gì về nhau, chúng ta hiểu nhau tới đâu. Chỉ cần biết mình đang nói cái gì là được. Giả như không trả lời nổi "đồng tính là gì" thì tốt nhất đừng nên viết về nó.

Bài viết dưới đây tôi khá tâm đắc vì chia sẻ cùng một quan điểm với tôi về "góp tiếng nói, thêm động lực." Và tôi nghĩ là khá hợp để gửi đến tất cả mọi người, bất kể niềm tin của bạn đang được đặt ở đâu.

--

Người viết: Elton John
(ca sĩ, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ dương cầm người Anh từng đoạt nhiều giải Grammy và giải của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Anh; được Nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ năm 1998)

Người dịch: Phan Huệ Ân (phần trích lại dưới này có chỉnh sửa vài chỗ)
Bài gốc tại News Statemann

--

Đã bốn mươi năm trôi qua kể từ khi tình dục đồng giới được phi hình sự hóa tại nước Anh, thế nhưng trên khắp thế giới, những người đồng tính vẫn bị xâm hại và phân biệt đối xử vì xu hướng tính dục của họ.

Ngày 21. tháng Mười Hai, 2005, ngày đầu tiên hôn nhân đồng tính được pháp luật Anh cho phép, tôi đã chính thức thành hôn với người đàn ông tôi yêu. Đó là quyền hợp pháp, quyền con người của tôi, và tôi muốn tất cả mọi người đều biết. Tôi muốn nói to lên điều ấy nhưng vẫn cảm thấy lo ngại về phản ứng của công chúng. Do vậy, tôi vui mừng và cảm thấy nhẹ người khi ra khỏi phòng đăng ký kết hôn và thấy đám đông ở ngoài đang cổ vũ và ủng hộ việc kết hôn của chúng tôi (trong khi tôi đã sợ rằng người ta sẽ la ó và giương lên những biểu ngữ phản đối làm hỏng cơ hội của tôi). Hôm đó tôi cảm thấy tự hào vì mình là người Anh.

Đã có một sự tiến bộ đáng kể về quyền của người đồng tính ở Anh, nhưng chúng ta chưa thể thỏa mãn, khi mà chứng ghê sợ đồng tính (homophobia) vẫn còn, khi mà nhiều người trên thế giới phải sống cô đơn trong sợ hãi vì xu hướng tính dục của họ. Ở một số nước, tiếng nói của tôi bị chìm nghỉm, thậm chí có khi còn bị tẩy chay. Đối với phần lớn mọi người, các quyền cơ bản chỉ là vấn đề sống và chết.

Rất nhiều người hàng ngày đang khổ sở vì bản năng tính dục của mình. Năm ngoái, William Hernández bị gí súng vào cổ bên ngoài trụ sở ở El Salvador của tổ chức vì quyền người đồng tính Asociación Entre Amigos của ông. William và các đồng sự lên tiếng về quyền của người đồng tính ở El Salvador đã gặp sự phản đối dẫn đến việc sửa đổi hiến pháp chính thức ngăn cấm hôn nhân đồng tính.

Chúng tao sẽ giết mày trước khi mày có thể cưới” – kẻ tấn công William nói.

Trước đó hai đêm, trụ sở của Entre Amigos bị đập phá và lục soát. Không có gì đáng giá bị mất, nhưng những chi tiết của các kế hoạch tổ chức sự kiện đã bị lấy đi và những lời đe dọa hằn học được viết đầy tại các phòng. Đó là cuộc tấn công thứ 7 trong vòng 5 năm. Những rắc rối như thế không chỉ có ở El Salvador. Những cuộc tấn công người đồng tính nam, đồng tính nữ, người lưỡng tính và chuyển đổi giới tính là rất thông thường và ít khi bị luật pháp luật nhòm tới.

Đàn ông và phụ nữ bị ngược đãi và tấn công hàng ngày khắp nơi trên thế giới, chỉ vì họ yêu và thể hiện tình yêu với người cùng giới. Tình dục đồng giới bị coi là bất hợp pháp tại hơn 80 quốc gia.

Một người Mỹ giơ khẩu hiệu phản đối sự kì thị đồng tính


Chứng ghê sợ đồng tính tác động đến giáo dục thể chất. Thông tin giúp ngăn ngừa sự lây lan của HIV và AIDS (liên quan đến đồng tính) bị ỉm đi, và những người cung cấp hoặc tìm kiếm thông tin như thế bị ngược đãi. William và những đồng sự của ông bị tấn công một phần vì họ đã cung cấp kiến thức về giới tính cho người đồng tính ở El Salvador. Tại Uganda, một đài phát thanh bị phạt vì phát một chương trình thảo luận về sự cần thiết giúp đỡ phòng chống HIV/AIDS cho giới gay. Tại Ấn Độ, những người tuyên truyền thông tin về tình dục đồng giới an toàn bị bắt, bị đánh đập và bị buộc tội bởi các luật chống kê gian (giao hợp giữa hai người đàn ông). Người đồng tính ở nhiều nước Châu Phi có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS rất cao vì họ ít có cơ hội tiếp nhận thông tin và cách xử lý đối với căn bệnh này.

Ở một số nước Châu Âu, những người có định kiến với giới đồng tính thường lớn tiếng phản đối và khó có thể nói át được họ. Các cuộc diễu hành biểu dương của những người đồng tính vẫn bị cấm đoán ở một vài thành phố thuộc Đông Âu (trong đó có Maxcơva, nơi mới đây ông thị trưởng mô tả diễu hành đồng tính là “quỷ quái”). Những người đồng tính ở Latvia bị tấn công và phỉ nhổ khi họ tổ chức tuần hành vào năm ngoái.

Cảnh sát Moscow bắt giữ những người biểu tình (16. tháng Năm, 2009)
Cuộc truy bắt sau đó diễn ra trong bạo lực.

Đã 40 năm trôi qua kể từ khi tình yêu đồng giới được phi hình sự hóa tại Anh, nhưng đáng buồn là nó vẫn bị coi là hành vi phạm pháp ở rất nhiều nơi trên thế giới. Tôi muốn tôn vinh William Hernández, những cộng sự của ông và rất nhiều, rất nhiều những cá nhân đã đứng lên vì quyền con người trên thế giới, ngay cả khi sự an toàn của họ bị đe dọa. Những người như William dũng cảm hơn tôi nhiều, vì khi những người chống đồng tính chửi rủa họ, họ đã mắng lại những người ấy. Và khi William và những người khác càng hiện diện rõ ràng bao nhiêu thì tiếng nói của họ càng mạnh bấy nhiêu. Với sự ủng hộ, họ sẽ khiến những người mang định kiến (với người đồng tính) phải nhận ra vấn đề.

Vì thế, hôm nay, tôi nói to với William, một người dũng cảm đã làm một việc nguy hiểm và cần nhiều nghị lực. Tiếng nói của tôi đã phụng sự tôi trong nhiều năm; tôi hi vọng nó cũng làm được điều gì đó tốt đẹp cho ông. Nhưng chúng ta cần thêm nhiều tiếng nói. Dù những người có định kiến đang ở trong cùng quán rượu với chúng ta hay cách xa hàng ngàn dặm, chúng ta cũng nên đứng dậy và nói to lên về những quyền cơ bản của con người. Tôi muốn đề nghị bạn, ngay hôm nay, hãy góp vào tiếng nói của mình.

--

Comments