Phim đồng tính Việt Nam 'trần trụi' thế nào?




Điện ảnh phản ánh cuộc sống.

Bộ phim đề cập đến/ có nhân vật đồng tính đầu tiên của Việt Nam có lẽ phải kể đến Những Cô Gái Chân Dài của Vũ Ngọc Đãng với tình yêu thầm kín của nhân vật Khoa (Trương Thanh Long) dành cho Hoàng (Minh Anh). Vấn đề đồng tính trong bộ phim này khá thoải mái, thoảng qua, nhưng lại chiếm nhiều thiện cảm của tôi. Nhân vật thật, diễn xuất tốt, âm nhạc hay, ngôn ngữ điện ảnh nhẹ nhàng, đúng lúc và có cảm xúc. (tôi vẫn nhớ mãi ánh mắt nhân vật Khoa nằm trên giường băn khoăn, đấu tranh với bản thân, và đoạn cuối phim khi anh đứng chờ ở ngoài lò gạch)

Những phim khác cũng ồn ào vì "có vai đồng tính", nhưng thực ra hoàn toàn không phải như vậy, lại chiếm hầu hết các tựa phim còn lại của điện ảnh Việt Nam: má mì Anh Vũ trong Gái Nhảy, má mì Minh Nhí trong Lọ Lem Hè Phố (Lê Hoàng), chàng thanh niên "Hai Trong Một" Thành Lộc, Lương Mạnh Hải trong Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt, Hoàng Mập trong Thập Tự Hoa, Đức Tiến trong Chuyện Tình Sài Gòn... (tôi nhớ đến đâu ghi tới đó, chưa xếp thứ tự thời gian) và sắp tới còn hứa hẹn một số phim nữa. Gần nhất có thể kể tới Để Mai Tính với Dustin Nguyễn (biên kịch, sản xuất, diễn viên), giới thiệu sự xuất hiện của một đại gia đồng tính giàu có (Thái Hòa).

Không phải tôi có ý muốn tách homosexual ra khỏi cộng đồng GLBT, nhưng những nhân vật transexual, transgender như vậy không nên bị ngộ nhận và nhầm lẫn với người đồng tính. Hơn nữa, nếu là một bộ phim về transexual, transgender thì cũng nên đặt vấn đề một cách tử tế chứ không nên lấy đó nhằm tạo tiếng cười rẻ tiền từ phía khán giả được. Tóm lại, phim chủ đề đồng tính Việt Nam tới đây vẫn hầu như chưa hề có.

--

Bộ phim đầu tiên quyết định chính thức nâng lên từ "có nhân vật đồng tính" sang "về đề tài đồng tính" là Trai Nhảy của Lê Hoàng. Tuy thế, tôi lại xem đây đích thị là một bộ phim ngụy đồng tính. Thứ nhất, chủ đề của phim không phải/ chưa phải là về đồng tính ái. Đó là một chủ đề hỗn tạp, lẫn lộn, vụn vặt và không rõ ràng. Thứ hai, bản thân nhân vật trong phim cũng chẳng phải người đồng tính, nhân vật Tuấn, rốt cuộc chỉ là một chàng đấm bóp dạo, (chứ không phải "trai nhảy" như tựa phim có phần giật gân và ăn theo) bị hoàn cảnh 'đẩy đưa' và làm trai bao đắc dĩ; nhân vật Tony, tạo hình nhân vật như là một hình mẫu mơ ước của người đồng tính nam, điển trai, giàu có, đứng đắn, đậm nam tính, cuối phim lại quyết định... sang Thái Lan 'can thiệp.' Như vậy, chẳng có nhân vật đồng tính nào trong phim này cả, chứ đừng nói tới là chủ đề đồng tính. Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ người biên kịch, đạo diễn lẫn diễn viên đều không nhận thức và hiểu biết sâu sắc như thế nào là một bộ phim đồng tính, và làm sao để bắt lấy, lột tả nội tâm của nhân vật đồng tính lên màn ảnh để tạo mâu thuẫn thúc đẩy bộ phim đi tới.


Sắp tới, Chơi Vơi của Bùi Thạc Chuyên được nhận định rằng là bộ phim đầu tiên về đề tài đồng tính nữ. Như vậy với những trình bày bên trên của tôi, liệu có thể hy vọng đây cũng là cũng bộ phim đầu tiên về đề tài đồng tính nói chung của Việt Nam? Điều này tôi chưa dám trả lời vì thành thực mà nói, tôi chưa xem phim này, và cũng rất hạn chế tìm hiểu thông tin cũng như nội dung của bộ phim. Mỗi lần đọc tới đoạn có spoiler chút ít nội dung phim là tôi lại lướt qua. Tôi muốn khi xem bộ phim sẽ xem bằng toàn bộ cảm nhận cá nhân và ban đầu của mình. Tuy vậy, những thông tin mà tôi đọc được từ Chơi Vơi cho tôi một cảm giác, chủ đề của phim là một thứ gì đó "xa hơn đồng tính" và rất... chơi vơi. Dù sao, hãy đợi một thời gian ngắn nữa, 13/11.

--




(This video may not be suitable for minors.
Đoạn phim trên có thể không thích hợp với một số người.)


Gần đây tôi được xem một đoạn phim demo của bộ phim Trần trụi. Một vài thông tin về bộ phim như sau:

Đạo diễn và biên kịch: Hoàng Thơ
Diễn viên: Duy Băng, Phi Long




Không rõ phim này sẽ phát hành bằng đường gì, chắc không phải rạp, vì không phải phim nhựa. (?) Tuy nhiên đoạn clip demo đã được 'truyền link', nhận xét, thảo luận khá nhiều trên mạng Internet. Qua vài 'trích đoạn' và captions diễn giải trong đó thì tôi cũng phần nhiều biết được nội dung của bộ phim. Nhiều người rất ủng hộ Trần Trụi, bởi dù gì, đây cũng là bộ phim "đầu tiên" (một lần nữa) đề cập trực diện, thẳng thắn đến đề tài đồng tính ái, từ đầu đến cuối, từ trong ra ngoài.

Tuy nhiên tôi không nghĩ như vậy. Dù biết rằng đây chỉ là mới là bản demo, và dù cho những điều trong phim đề cập là đúng hay sai, và dù nhấn mạnh vào sự "trần trụi" hay những mảng tối nào đi nữa, tôi vẫn nghĩ rằng không nên có những bộ phim như thế này, vào ngay thời điểm này.

Đây là một bộ phim đề cập và xoay quanh những vấn đề thuộc về mảng tối, hay như ngôn ngữ của bộ phim là những "trần trụi", của thế giới đồng tính. Những mảng tối đó bao gồm bi kịch của của một gia đình vợ chửi chồng, con xa bố khi người chồng, người bố ấy là một anh chàng gay từng mất đi người yêu lớn nhất của cuộc đời mình; bi kịch của một gia đình khác con khinh bố, khinh đời và đặt lên trên hết là sự tôn trọng cái bản ngã của mình. Xung quanh đó, còn rất nhiều chi tiết khác nhấn mạnh đến ba yếu tố "tình - tiền - tội", (có sự đan xen không thể tách rời) mà ở đó:

TÌNH: sự mất mát của tình yêu và đánh mất niềm tin vào lòng người, quan niệm về quan hệ nhục thể và sòng phẳng, sự dối lừa trong tình yêu, ước mơ về một hạnh phúc bị nhấn chìm trong tuyệt vọng và đường cùng.
TIỀN: công việc kiếm tiền của nhọc nhằn của chàng trai gọi (dù tôi không hiểu nhân vật này thiếu tiền tới mức nào vì thấy gia cảnh cũng đàng hoàng), những ván bài tán bại gia sản.
TỘI: tai nạn trong khi hành nghề bán dâm, sự nham nhở, dị hợm, bệnh hoạn của những kẻ mua dâm (tôi buộc phải dùng từ này vì đó cũng là ngôn từ, chủ ý của bộ phim); ngỗ ngược với thân sinh, bài bạc, giết người.

-

Một lập luận thường thấy nhất ở những tác phẩm nghệ thuật tiếp cận vấn đề từ khía cạnh tiêu cực là, bằng việc đưa người thưởng lãm vào thế giới của những điều đen tối, người ta có thể cảm nhận được rõ nét nhất ở chính nơi đó giá trị của những điều tốt đẹp, của sự chân thiện. Từ Nam Cao, Vũ Trọng Phụng đến Balzac đều làm lay động lòng người bằng cách đấy.

Với Trần Trụi, một bộ phim cũng tiếp cận vấn đề từ những mảng tối, những điều tiêu cực, tôi không khẳng định đây là cách tiếp cận hay hay dở. Mà quan trọng là việc nó đã tiếp cận như thế nào, xử lí nguyên liệu ra sao. Ngồn ngộn các tình tiết trong Trần Trụi cứ như bước ra từ... những bản tin trên báo: đồng tính làm trai gọi, đồng tính lấy vợ đẻ con gây đau khổ cho gia đình, đồng tính nhố nhăng bệnh hoạn, đồng tính lừa dối, đồng tính chỉ quan tâm đến tình dục, đồng tính giết bạn tình, đồng tính bất hạnh và bế tắc...

Tôi nghĩ không nên như vậy và không việc gì phải như vậy. Theo cách hiểu của tôi thì đây là bộ phim 'sến'. Những tình tiết nặng tính lên gân, câu khách, không đi đến việc mang lại một cảm xúc, nhận thức mới mẻ hay đúng đắn nào cả. Vẫn bước lại vết xe đổ của những định kiến nặng nề và lạc hậu; tiếp tục mắc sai lầm trầm trọng trong việc phân biệt các bản sắc tính dục (sexual identities: homosexual, heterosexual, bisexual,...) và bản sắc giới (gender identities: male, female, transexual...) của con người. Thêm nữa, tôi là một người thực dụng, luôn nghĩ đến việc làm thế này, thế kia thì sẽ có ích lợi gì hay không. Theo cảm nhận cá nhân, tôi nghĩ Trần Trụi không có ý nghĩa tích cực nào đối với xã hội Việt Nam hiện nay, cũng như với chính người đồng tính Việt Nam. Người đồng tính xem vào thì thấy xa lạ, buồn phiền, lo lắng, giận dữ. Người ngoài xem vào thì thấy ghê tởm, ác cảm, khinh thường, thờ ơ. Một xã hội vốn còn nhiều định kiến và một cộng đồng vốn còn dễ bị tổn thương (vulnerable) như ở Việt Nam, thì chưa cần tới một bộ phim như thế này.

Điều cuối cùng tôi muốn nói về Trần Trụi, là một sự thất vọng. (bởi luôn kì vọng khi vừa nghe về một bộ phim gay-themed nào đó) Thất vọng không chỉ vì những gì bộ phim đã thể hiện (một lần nữa, tôi biết đây chỉ mới là một đoạn demo), mà còn bởi chính cảm nhận của tôi rằng những người góp phần làm nên bộ phim này đã thất bại trong việc thể hiện rằng mình có bona fides, sự thiện chí, chân thành cần thiết, khi đứng lên thay mặt người đồng tính truyền tải thông điệp và tiếng nói tới mọi người. Dù phim hay hay dở thì cái thiện chí ấy cũng góp phần rất lớn vào việc có nên ghi nhớ hay là quên đi bộ phim ấy hay không.

Update: Trần Trụi là một phim ngắn. (may quá không phải xem nhiều :))

Comments

  1. Khong biet phai noi gi hon.Bai "cam nhan" rat hay!

    P/s: Neu duoc xin duoc ket ban: Y!H:
    quaduongvuichoi

    ReplyDelete
  2. Những phim này, mình chưa coi. Bộ phim mình đồng tính duy nhất mình từng coi là Brokeback mountain.

    ReplyDelete
  3. Đạo diễn VN mà! Nếu mà có người làm được 1 film cho có giá trị đích thực, có sâu sắc và nhân văn thì có lẽ mình đã không bị th Tàu khựa chơi xỏ nhiều :))
    Thật sự, nếu mấy ông đạo diễn VN - chỉ cần ý thức được 1 phần ảnh hưởng từ những đứa con mình làm ra, đặc biệt đến nhận thức và thái độ giới trẻ - thì nhiều người vn hẳn sẽ có cái nhìn khác, khách quan và sâu sắc hơn rồi, nhưng tiếc là họ không thể, họ chỉ có khả năng đến mức là quay cận cảnh những đoạn "hot" có vẻ là film hơn film cấp 3 1 xíu - thế thôi!

    ReplyDelete

Post a Comment

Ai cũng có thể comment, dùng tài khoản Wordpress, Typepad, AIM... hay thậm chí chỉ cần để lại Name/URL của bạn. Nếu không thì comment ẩn danh (Anonymous) cũng được chào đón! ツ

Để nhận được thư báo khi có comment phản hồi, hãy nhấn Subscribe by email ở dưới khung comment. Để dừng việc hồi báo này, nhấn Unsubscribe ở cùng vị trí.