"Sexual orientation" dịch như thế nào?


Trong một bài trước tôi có phần đề cập đến việc gọi tên thuật ngữ "sexual orientation". Mới đây thấy trên diễn đàn Vietqueer bài thảo luận về vấn đề này. Nên hôm nay sẽ viết lại cho rõ ràng và đầy đủ hơn quan điểm của cá nhân tôi.

Orientation - "định" hay "xu" hay "thiên" hay "khuynh"?

"Orientation” được nhiều tài liệu đã dịch là “thiên hướng”, “xu hướng”, “định hướng”, “khuynh hướng”…[*] Theo tôi nhớ thì mỗi từ đều có một khoảng thời gian trở nên phổ biến so với các từ còn lại, sắp xếp theo thứ tự mới dần thì là "định", "xu", "thiên" và "khuynh". Tất nhiên cũng còn phụ thuộc vào từng hoàn cảnh, mục đích bài viết mà được dùng lẫn với nhau.

Có thể xem qua thống kê nhanh của tôi về lượng sử dụng của từng từ ở bảng kê bên dưới. Tất nhiên tôi không hề có ý dựa vào kết quả tìm kiếm đơn thuần trên Internet để kết luận đúng / sai, nên / không nên sử dụng như thế nào, mà chỉ là muốn xem thử về 'orientation' của mọi người về việc dùng từ thôi. “Định hướng” và “thiên hướng” được ít người sử dụng, nhưng lại là từ dùng nhiều trong các tài liệu chính thức. Từ “xu hướng” và “khuynh hướng” lại được dùng nhiều nhất, nhưng bị lẫn với một số khái niệm khác và hay có ý tiêu cực (ví dụ, “xu hướng tình dục của giới trẻ đã có phần thoáng hơn”, “khuynh hướng tình dục quái dị ở giới trẻ”…).

Định hướng tình dục
Xu hướng tình dục
Thiên hướng tình dục
Khuynh hướng tình dục
3.930
59.100
1.150
11.400
 Số kết quả tìm kiếm được bằng Google (tính tới tháng 4/2009)

Chưa xét về ngữ nghĩa hay gì cả, cũng có thể dễ hiểu tại sao "xu hướng" và "khuynh hướng" được dùng nhiều nhất, đơn giản vì so với hai từ còn lại thì nó gần gũi và phổ dụng hơn.

--

Xét về ngữ nghĩa tiếng Anh thì “định hướng” là từ đúng nhất. Còn tại sao nó đúng nhất thì tôi cũng... không biết giải thích sao nữa. "Xu hướng" là tendency (趋), "khuynh hướng" là inclination, tendency (倾), "thiên hướng" là bias, proclivity (偏), tóm lại ba từ này đều có nét nghĩa chung là tendency, có chiều hướng nghiêng về một bên nào đó. Còn 'orientation' thì giống như cây kim la bàn, giúp xác định vị trí, chiều hướng, nên dịch là "định hướng" thì chính xác hơn. (Nói thêm: Tiếng Trung Quốc dịch từ "orientation" là 定位 [định vị])

--


Xét về ngữ nghĩa Hán Việt, “định” là “yên lặng” (ổn định), “xu” là “bước nhanh” (xu thế), “khuynh” là “nghiêng” (khuynh đảo), “thiên” là “tự nhiên” (thiên tạo), “trời” (thiên thần), “ngàn” (thiên niên kỉ), "thay đổi" (thiên di, biến thiên), ngoài ra cũng có nghĩa là “nghiêng” (thiên vị).

Ở đây tôi xin mở ngoặc thêm về từ "thiên". Có một số bạn hiểu "thiên" nghĩa là "bẩm sinh, trời sinh ra đã vậy", rồi từ đó mà bám vào để ủng hộ / không ủng hộ việc dịch thành "thiên hướng tình dục" (ý là tranh luận liệu sexual orientation có phải do bẩm sinh hay không). Việc hiểu và giải thích như vậy là chưa chính xác. Bởi trong rất nhiều nghĩa như vậy, chúng ta phải hiểu "thiên" (偏) ở đây mà ta đang dùng có nghĩa như "thiên vị", tức nghiêng về một bên, chứ không  phải "thiên" (天) trong "thiên tạo, không do tác động của con người".

Trước hết tôi xin được phép loại từ "xu hướng" ra, vì từ này theo tôi xét về cả ngữ nghĩa và mục đích sử dụng đều không phù hợp.
Tôi cũng xin loại từ "thiên hướng" ra, vì dễ gây những nhầm lẫn như đã nêu trên.
Còn lại là cuộc tranh luận giữa "định hướng" và "khuynh hướng". Có thể có cảm nhận ban đầu về một sự khác biệt tương đố rõ nét giữa hai từ này. Như đã nói, "định hướng", ý chỉ về một sự xác định, định vị chiều hướng, giống như cây kim la bàn. Còn "khuynh hướng", ý chỉ về một sự ngả về một phía nào đó, sự hướng tới, nghiêng về. Cảm nhận ban đầu ở đây đó là một cái có vẻ cố định (định hướng), một cái có vẻ thay đồi (khuynh hướng). Từ đó mà có thể nảy sinh cuộc tranh luận xem 'sexual orientation' có  'cố định' hay không, để chọn lựa ra cách dùng từ thích hợp.

Tuy vậy tôi suy nghĩ không hẳn "khuynh hướng" có nét nghĩa "thay đổi" trong đó. Chẳng hạn nói một người "tả khuynh", không có nghĩa là anh ta gắn với đặc tính sẽ thay đổi khuynh hướng của mình.

Vì vậy, theo tôi, "định hướng" hay "khuynh hướng" đều đúng và phù hợp. Nhưng nếu có kiến nghị sau cùng thì tôi nghĩ "khuynh hướng" sẽ dễ nghe, dễ sử dụng hơn.

Sexual - "tình dục" hay "tính dục"?

Tôi nghĩ cái này không cần bàn nhiều lắm. Rõ ràng sexual phải là "tính dục", không thể là "tình dục" được. Mối quan hệ giữa bộ ba "gender - sex - sexuality" cũng tương đối không có gì nhập nhằng cho lắm: (1) gender - giới tính (bao gồm hai nội hàm cơ bản là giới sinh học và giới xã hội); (2) sex - tình dục (các quan hệ tính giao giữa các cá thể) và; (3) sexuality - tính dục (tổng thể các khía cạnh đặc trưng của nam hay nữ qua đó biểu đạt nhân cách của con người).

Khi ta nói "khuynh hướng tình dục", nó không hẳn là sai mà là bất cập, vì chỉ mới đề cập đến tập tính tình dục của một người. Mà như ta biết, tập tính tình dục (hành vi tình dục mà người đó thực hiện) chỉ là một yếu tố của tính dục mà thôi, ngoài ra còn có các yếu tố quan trọng (hơn) nữa như cảm nhận về giới tính của bản thân, cảm nhận về tình cảm, tình yêu, sự thu hút đối với các đối tượng khác, vai trò giới của họ trong xã hội, vân vân.

Tôi có suy nghĩ rằng cách dùng "tình dục" để biểu đạt về "sexuality" rất không tốt về mặt hiệu ứng xã hội, vì nó gợi ý cho người nghe rằng, ở đây, tình dục, nhục cảm và ham muốn thể xác là trên hết và duy nhất. Từ đó mà nảy sinh nhiều điều tiếng, hiểu lầm. Do vậy tôi khuyến nghị  luôn dùng từ "tính dục". Thói quen dùng "tình dục" cho "sexuality" nên từ từ hạn chế, tiến tới không dùng nữa, mà trước hết là những bài báo, bài viết khoa học, nghiên cứu, tìm hiểu.

Nói thêm và Tóm lại

Trong tiếng Hoa, "sexual orientation" được gọi là "tính thủ hướng" (性取向). Từ "tính" (性) có khá nhiều trường nghĩa, như "character, sex, genger" nên có thể hiểu "tính" đây là "tính dục". Cũng như tiếng Việt, còn rất nhiều cách gọi khác, như tính chỉ hướng, tính vị hướng, tính khuynh hướng. Nôm na thì bên họ cũng tồn tại nhiều khái niệm dùng thay thế nhau "thủ hướng, chỉ hướng, vị hướng, khuynh hướng". So với tiếng Việt "định hướng, xu hướng, thiên hướng, khuynh hướng" thì giao nhau ở "khuynh hướng", nên chọn từ này cũng được thêm nữa một căn cứ và cũng mở rộng sự tương thích, hội nhập giữa các ngôn ngữ.

Tóm lại, "sexual orientation" nên dịch là "khuynh hướng tính dục", hoặc trong vài trường hợp có thể là "định hướng tính dục"

--

[*] Một số bài báo còn dùng từ "sở thích tình dục", như "ngày càng có nhiều người công khai thừa nhận sở thích tình dục đồng giới của mình". Từ này tôi không tính đến vì nó quá ư là "tình dục" : )

Comments

  1. Bài này thú vị nà. Thks !

    ReplyDelete
  2. ồ, cảm ơn bạn! :)
    - Chắc cần phải nhất trí đầu tiên với việc: khi dịch thì lưu tâm đến cái hiệu ứng xã hội nơi quốc gia mình !
    - Nếu theo sách vở máy móc thì nói thêm, từ điển tiếng Anh Oxford (OALD 7) chia sexual làm 3 mục nghĩa: mục đầu tiên-cũng là mục dùng cho cụm từ sexual orientation- có nghĩa là "connected with the physical activity of sex". Tức là xoáy vào chữ tình dục trước, VÀ phạm vi chung quanh| kế cận tình dục (!).
    - Về người asexual: Như bên tiếng Anh thì ngta còn tranh cãi asexual là 1 s.o hay là 'ko có s.o' ! L ủng hộ cái ý đầu, cho nên nghĩ tiếng Việt mình dùng (Khuynh hướng) tính dục sẽ bao hàm được những người có s.o là asexual, khi mà họ có thể thiếu/ko có ham muốn, hành vi quan hệ thể xác nhưng vẫn sở hữu các yếu tố cấu thành tính dục-sexuality khác.

    ReplyDelete
  3. (Nói trước, mình ko biết Hán Việt hay tiếng Hoa nhé.)
    - Về 4 chữ kia, L đồng ý loại chữ Thiên, dễ gây hiểu lầm liên quan đến nguyên nhân nảy sinh s.o khác nhau.
    - Orientation Day hay đc tổ chức trong trường học, công ty đó. Và L thấy từ 'Định hướng' thiên về mô tả 'sự tác động chủ quan', từ phía mình hoặc/và người ngoài. Ko phải là chuyện 'cố định' hay ko (như trong bài viết) mà L cảm thấy là nó gợi cái ý 'mình hay ai khác có thể tự 'quyết định, can thiệp' sự vật sự việc, trường hợp này là can thiệp liên quan đến s.o. (!?) Có vấn đề ko? Ý chí chủ quan xác lập nên 1 s.o ? Lúc bấy giờ nó liên quan đến identity hơn là orientation. ...
    - Chữ Xu và chữ Khuynh, theo lý giải của bài, vậy thì còn lại chữ Khuynh là ưu thế nhất nhỉ. :>

    ReplyDelete

Post a Comment

Ai cũng có thể comment, dùng tài khoản Wordpress, Typepad, AIM... hay thậm chí chỉ cần để lại Name/URL của bạn. Nếu không thì comment ẩn danh (Anonymous) cũng được chào đón! ツ

Để nhận được thư báo khi có comment phản hồi, hãy nhấn Subscribe by email ở dưới khung comment. Để dừng việc hồi báo này, nhấn Unsubscribe ở cùng vị trí.