Bàn về tính dục

(Bài viết hoàn toàn là hiểu biết riêng và quan điểm cá nhân)
Sexuality - Tính dục
Tính dục là tổng thể con người, bao gồm mọi khía cạnh đặc trưng của nam hay nữ và biến động suốt đời. Tính dục phản ánh tính cách con người, không phải chỉ là bản chất sinh dục. Vì là một biểu đạt tổng thể của nhân cách, tính dục liên quan tới yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội, tinh thần và văn hóa của đời sống.
Nó khác với tình dục, vốn chỉ về quan hệ tính giao đơn thuần giữa hai người. Hiểu rõ về "sexuality" rất quan trọng, vì nó liên quan đến rất nhiều thuật ngữ khác.
Tính dục bao gồm những yếu tố như:
  • Giới tính sinh học: xác định thông qua cấu tạo cơ thể và những biểu hiện trên cơ thể.
  • Biểu hiện giới tính: xác định thông qua những đặc điểm giới tính mà họ thể hiện;
  • Cảm nhận giới tính: xác định thông qua cảm nhận về giới tính của một người về chính bản thân họ;
  • Khuynh hướng tính dục: xác định thông qua cảm nhận, mong muốn về tình cảm, tình yêu, tình dục của một người hướng đến người khác; và
  • Tập tính tình dục: xác định thông qua hành vi tình dục mà người đó thực hiện.



* Sex/Biological Sex - Giới tính sinh học
Xác định thông qua những đặc điểm sinh học của cơ thể như cấu tạo gene, nội tiết tố, bộ phận sinh dục chính, bộ phận sinh dục phụ, vân vân. Giới tính sinh học bao gồm nam giới, nữ giới, và những trường hợp khác.
Nam giới là người có đầy đủ những đặc điểm sinh học của nam (cấu trúc gene XY, nội tiết tố Testosterone, cấu tạo cơ thể có dương vật, tinh hoàn, vân vân) và nữ giới là người có đầy đủ những đặc điểm sinh học của nữ (cấu trúc gene XX, nội tiết tố Estrogen, cấu tạo cơ thể có âm đạo, tử cung, trứng, vân vân).
những trường hợp khác của giới tính sinh học do khiếm khuyết sinh học gây ra. Bốn khả năng của khiếm khuyết sinh học là:
  • Người có bộ phận sinh dục nam không rõ;
  • Người có bộ phận sinh dục nữ không rõ;
  • Người có cả bộ phận sinh dục nam và nữ; và
  • Người không có cả bộ phận sinh dục nam hoặc nữ.
Giới tính sinh học vừa dễ vừa khó nhận biết, do các cơ quan này phần lớn là bộ phận cơ thể kín đáo và nhạy cảm, hoặc có khiếm khuyết ẩn sâu.
Bên cạnh đó, có những trường hợp khác do can thiệp của con người. Ba khả năng của việc can thiệp này là:
  • Người phẫu thuật chuyển bộ phận sinh dục nam thành nữ;
  • Người phẫu thuật chuyển bộ phận sinh dục nữ thành nam; và
  • Người phẫu thuật để có cả bộ phận sinh dục nam và nữ.
* Gender Presentation/Gender Role- Biểu hiện giới tính
Xác định thông qua những đặc điểm giới tính mà họ thể hiện ra bên ngoài như cách thức phục trang, cách thức ứng xử, tính cách, hành vi. Nói cách khác đó là "giới tính bên ngoài" của mỗi người.
  • Nam tính là những đặc điểm bên ngoài, tính cách được đa số người quan niệm thuộc về nam (dáng đi cứng, dáng ngồi vuông, khuôn mặt sắc cạnh xanh râu, nước da ngăm ngăm, ăn mặc lịch lãm hay phong trần, tránh để lộ cơ thể, ăn to nói lớn, tay chân đầu cổ không múa may điệu đà, làm những việc mà nam giới hay làm, vân vân).
  • Còn nữ tính là những đặc điểm bên ngoài, tính cách được đa số người quan niệm thuộc về nữ (dáng đi mềm mại, thướt tha, mặt nhỏ, da trắng, ăn mặc làm nổi lên những đường nét của cơ thể, giọng nói nhẹ nhàng thanh nhã, cử chỉ linh hoạt mềm mại, làm những việc mà nữ giới hay làm, vân vân).
Mỗi người đều có thể có nhiều hay ít những đặc điểm nam tính và nữ tính. Tùy mức độ hòa trộn cũng như nổi trội của từng đặc điểm mà một người có thể được đánh giá khác nhau. Sự biểu hiện cũng có thể thống nhất hay đứt quãng, chẳng hạn một người có biểu hiện trước mọi người hoàn toàn là nam giới, nhưng khi về nhà chỉ có một mình lại thích như hóa thân vào nữ giới: ăn mặc đồ phụ nữ, trang điểm…
Biểu hiện giới tính là đặc điểm dễ nhận biết nhất đối với người xung quanh, xuất phát từ tính chất của sự thể hiện ra bên ngoài và những khuôn mẫu, quan niệm sẵn có của xã hội. Biểu hiện giới tính còn có thể gọi là vai trò giới, bởi nó xuất phát từ đánh giá của xã hội về vị trí, sự cần thiết và thái độ, phản ứng dành cho một cá nhân về cung cách sống của họ. Xã hội mong muốn giới tính của người đó như thế nào, sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến biểu hiện giới tính của họ.
* Gender/Gender Identity – Bản sắc giới
Xác định thông qua cảm nhận về giới tính của một người về chính bản thân họ. Nói cách khác đó là "giới tính bên trong" của mỗi người.
  • Người cảm nhận là nam là người mà trong suy nghĩ của họ, khi đặt ra câu hỏi “tôi là nam hay nữ”, câu trả lời sẽ là “nam”;
  • Người cảm nhận là nữ là người mà trong suy nghĩ của họ, khi đặt ra câu hỏi “tôi là nam hay nữ”, câu trả lời sẽ là “nữ”; và
  • Những trường hợp khác, khi đặt ra câu hỏi “tôi là nam hay nữ”, câu trả lời có thể sẽ là “cả hai”, “chút này chút kia”, “tôi không biết”, hay thậm chí là “không ai cả”.
Sự cảm nhận có thể ở dạng minh thị (tỏ thái độ không hài lòng) hay mặc thị (không tỏ thái độ không hài lòng). Chẳng hạn, người cảm nhận là nam không nhất thiết phải là người giữ trong đầu ý nghĩ “mình là đàn ông”, mà chỉ đơn giản là chưa bao giờ có ý nghĩ mình là phụ nữ.
Cảm nhận giới tính không nhất thiết đồng nhất với giới tính sinh học hay biểu hiện giới tính. Một người có giới tính sinh học là nam giới, biểu hiện bên ngoài như nam giới, nhưng có thể cảm nhận mình là nữ giới. Tuy vậy, cảm nhận giới tính quan hệ chặt chẽ với giới tính sinh học và biểu hiện giới tính. Phải dựa trên yếu tố sinh học, biểu hiện giới tính hiện thời, thì một người mới có thể xác định được cảm nhận của mình.
Cảm nhận về giới tính cũng không nhất thiết đồng nhất với mong muốn về giới tính. Nói cách khác, “nam cảm nhận mình là nữ” không nhất thiết “mong muốn mình là nữ”. Tương tự, như nhiều người nam chuyển đổi giới tính thành nữ ở Thái Lan hay thái giám ngày xưa chẵng hạn, có thể “mong muốn, và đã trở thành phụ nữ” nhưng họ vẫn cảm nhận mình là nam, đơn giản là có thể do hoàn cảnh, công việc của họ tạo ra “mong muốn” đó mà thôi.
* Sexual Orientation – Khuynh hướng tính dục
Là khái niệm để chỉ đối tượng nào mà những cảm nhận về tình cảm, tình yêu và tình dục của một người hướng tới. Nếu:
  • Một người hướng tình cảm, tình yêu, hay tình dục của mình đến với người khác bản sắc giới tính như mình, thì gọi là người có khuynh hướng tính dục dị giới. Hay còn gọi là người dị tính luyến ái.
  • Một người tình cảm, tình yêu, hay tình dục của mình đến với người có cùng bản sắc giới tính như mình, thì gọi là người có khuynh hướng tính dục đồng giới. Hay còn gọi là người đồng tính luyến ái.
  • Một người hướng tình cảm, tình yêu, hay tình dục của mình đến với cả bản sắc giới tính như mình và khác mình, thì gọi là người có khuynh hướng tính dục song giới. Hay còn gọi là người song tính luyến ái.
  • Và một số trường hợp khác.
Ở đâu đó, người ta có một định nghĩa ngắn gọn và dễ hiểu hơn, đại loại: “người đồng tính là người có quan hệ tình dục với người đồng giới”. Tuy nhiên, trong luận điểm trên có hai sai lầm cơ bản sau.
  • Thực tế thì tình dục không phải là tất cả. Việc có ham muốn tình dục với ai thuộc về hành vi tính dục, chứ không phải khuynh hướng tính dục. Một người, không có ham muốn tình dục với người đồng giới, vẫn có thể là người đồng tính. Ngược lại, một người có ham muốn tình dục với người đồng giới thì chưa chắc là người đồng tính. Khuynh hướng tính dục đề cập đến cảm xúc và sự cảm nhận về chính mình, không phải những gì họ biểu hiện.
  • Người đồng giới” là một người “cùng giới tính”? Như đã nói ở phần “bản sắc giới tính”, nếu nói “cùng giới tính” thì có đến 3 khả năng: có giới tính sinh học giống nhau, có biểu hiện giới tính giống nhau và có cảm nhận giới tính giống nhau. Không thể chỉ căn cứ vào một trong ba yếu tố trên mà kết luận về khuynh hướng tính dục được.
Trường hợp như nghệ sĩ Chinh Nhân yêu ca sĩ chuyển giới Cát Tuyền, có thể gọi ai là người đồng tính? Xét về bản sắc giới tính, Cát Tuyền là nữ (kể cả khi chưa phẫu thuật), Chinh Nhân là nam. Từ đó ta kết luận, cả hai đều là người dị tính luyến ái. Những người nam transexual (bản sắc giới tính là nữ), thường không yêu những người transexual như mình (vì họ chỉ hướng đến những người có bản sắc giới tính là nam), vì vậy không thể gọi họ là người đồng tính.
* Sexual Activity/Behavior/Identity – Tập tính tình dục
Tập tính tình dục là những đặc điểm liên quan đến hành vi tình dục mà một người thực hiện. Tương tự như bản sắc giới tính, tập tính tình dục phụ thuộc vào cảm nhận của cá nhân và xã hội về hành vi tình dục của họ. Tập tính tình dục đôi khi được gắn chung với Bản sắc tình dục. Điều này có thể liên quan hoặc không liên quan đến khuynh hướng tính dục, chẳng hạn:
  • Một người đàn ông đã có vợ đôi khi có tơ tưởng đến việc quan hệ tình dục với người đàn ông khác. Nếu ngả về chiều hướng đó, khuynh hướng tính dục của anh ta sẽ là song tính, bằng không, anh ta có thể tự coi mình là người dị tính.
  • Một người nam xuyên giới tính (nhưng chưa chuyển đổi giới tính) đang trong một mối quan hệ với người nam dị tính. Trong mối quan hệ đó, hai người xem nhau như là những người dị tính, trong khi đó những người xung quanh có thể xem họ là người đồng tính.
Hành vi tình dục mà một người thực hiện, có thể có hoặc chẳng liên quan đến khuynh hướng tính dục, bản sắc giới, giới tính sinh học của họ. Điểm khác biệt nhất giữa tập tính tình dục và khuynh hướng tình dục ở chỗ một bên là những gì họ thực hiện, một bên là những gì họ mong muốn.
* Quan hệ giữa 5 yếu tố
Giới tính sinh học, biểu hiện giới tính và cảm nhận giới tính lần lượt dựa trên các yếu tố sinh lý, xã hội và tâm lý. Có thể kết hợp những đặc điểm của từng yếu tố để tạo ra một bản sắc giới tính khác nhau. Ví dụ:
  • Người có giới tính sinh học là nam giới. Biểu hiện bên ngoài như nam giới. Cảm nhận mình là nam giới. Yêu một người nam giới và lập gia đình với một phụ nữ.
  • Người có giới tính sinh học là nữ giới. Biểu hiện bên ngoài như nam giới. Cảm nhận mình là vừa là nam vừa là nữ giới. Yêu một người nữ giới và quan hệ với phụ nữ.
  • Người có giới tính sinh học là nam giới. Biểu hiện bên ngoài như nữ giới. Cảm nhận mình không phải là nam giới. Yêu nam giới và không có quan hệ tình dục.
Có thể nôm na xác định giới tính sinh học, biểu hiện giới và bản sắc giới, khuynh hướng tính dục và hành vi tình dục bằng các câu hỏi “tôi cơ thể nam hay nữ”, “tôi cư xử như nam hay nữ” và “tôi nam hay nữ”, “ai hấp dẫn tôi” và “tôi quan hệ với ai”.
Trên thực tế, biểu hiện giới tính của một người là căn cứ hay được dùng nhất để đánh giá về bản sắc giới tính của họ. Bởi nó là đặc điểm dễ nhận thấy nhất đối với những người xung quanh. Nhưng sai lầm hơn cả là dựa vào thể hiện giới tính để đánh giá về khuynh hướng tính dục của một người. Biểu hiện giới tính thường phù hợp với bản sắc giới, khuynh hướng tính dục thường phù hợp với tập tính tình dục. Năm yếu tố trên tạo thành một thể thống nhất của tính dục con người, có liên quan chặt chẽ với nhau, nhưng không vì thế mà luôn luôn đồng nhất với nhau.
--
* Luận về từ nguyên
Gender identity” được nhiều người dịch theo nhiều cách khác nhau: nhận dạng giới, đặc tính giới, bản dạng giới, căn cước giới… Indentity là “những đặc tính có thể nhận biết và phân biệt được”. Theo tôi từ “nhận dạng” đúng với nghĩa đen nhất nhưng không dùng được vì nó là động từ, từ “đặc tính” quá chung và chưa chính xác, còn từ “bản dạng” thì tối nghĩa, có thể là do được kết hợp nghĩa của hai từ “bản chất” và “nhân dạng”?
Riêng quan điểm cá nhân tôi thì xin được dịch thành “bản sắc giới”. Lí do là vì trong ngành xã hội học và tâm lí xã hội học, từ “identity” vốn đã được thống nhất là “bản sắc”: bản sắc cá nhân, bản sắc nhóm, bản sắc xã hội… và nghĩa của từ này cũng tương đối chính xác.
Bisexual”, từ lâu thống nhất là “lưỡng tính luyến ái”, nhưng tôi khuyến nghị nên thay bằng song tính luyến ái. “Lưỡng” là hai, còn “song” là đôi, phản ánh đúng hơn nét đối lập của hai cặp đôi “nam và nữ”. Tiền tố -bi trong tiếng cũng có nghĩa tương tự (khác với –duo). Vấn đề này, cùng những bàn luận về từ nguyên khác sẽ được đề cập cụ thể hơn trong những bài viết khác.
Sexual orientation” được nhiều tài liệu đã dịch là “thiên hướng tình dục”, “xu hướng tình dục”, “định hướng tình dục”, “khuynh hướng tình dục”… “Định hướng” và “thiên hướng” được ít người sử dụng, nhưng lại là từ dùng nhiều trong các tài liệu chính thức. Từ “xu hướng” và “khuynh hướng” lại được dùng nhiều nhất, nhưng bị lẫn với một số khái niệm khác và hay có ý tiêu cực (ví dụ, “xu hướng tình dục của giới trẻ đã có phần thoáng hơn”, “khuynh hướng tình dục quái dị ở giới trẻ”…).
Xét về ngữ nghĩa tiếng Anh thì “định hướng” là từ đúng nhất. Còn xét về ngữ nghĩa từ Hán Việt, “định” là “yên lặng” (định thần), “xu” là “bước nhanh” (xu thế), “khuynh” là “nghiêng” (khuynh đảo), “thiên” là “tự nhiên” (thiên tạo), “trời”, “ngàn”, ngoài ra cũng có nghĩa là “nghiêng” (thiên vị). Sau khi suy nghĩ về bản chất của “sexual orientation”, tôi nghĩ rằng nên dùng từ “khuynh hướng tình dục” là hợp lý nhất. Mặc dù “thiên hướng” cũng có nghĩa “nghiêng” nhưng dễ bị hiểu sang những nghĩa khác.
Ngoài ra, từ “sexual” được nhiều người dịch là “tính dục” thay vì “tình dục”. Theo tôi, “tính dục” chính xác hơn, và “sexual orientation” không chỉ đơn thuần là hấp dẫn về mặt tình dục, vì vậy dịch “tình dục” là chưa chính xác. Tuy nhiên do thói quen, vẫn có thể chấp nhận được.
Định hướng tình dục
Xu hướng tình dục
Thiên hướng tình dục
Khuynh hướng tình dục
3.930
59.100
1.150
11.400
Định/xu/thiên/khuynh hướng tình dục
Định/xu/thiên/khuynh hướng tính dục
75.580
6.752
Số kết quả tìm kiếm được bằng Google (tính tới tháng 4/2009)

Comments